Tây Nguyên: Rừng vẫn bị tàn phá sau lệnh đóng cửa?

14/10/2017 00:00

(TN&MT) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo về đóng cửa rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng của Thủ tướng Chính phủ; các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng người dân đốt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất, chuyển nhượng vẫn còn xảy ra trên diện rộng; xâm phạm nghiêm trọng vốn rừng.

Riêng tháng 7/2017, toàn tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra 95 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tang vật cơ quan chức năng tịch thu 197m3 gỗ các loại
Riêng tháng 7/2017, toàn tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra 95 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tang vật cơ quan chức năng tịch thu 197m3 gỗ các loại

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên có hơn 3,3 triệu ha, trong đó diện tích rừng là 2,5 triệu ha, chiếm 76,21%. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp này đã giao cho các ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ; doanh nghiệp; hộ dân... quản lý, bảo vệ.

Do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, có gần 283.000ha rừng xảy ra tranh chấp; tập trung chủ yếu diện tích do UBND các xã quản lý là 164.000ha; các BQL rừng phòng hộ 56.000ha. Tính trung bình mỗi năm Tây Nguyên mất 1.000ha rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng ở  Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 1.707 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có 605 vụ phá rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng di dân tự do phá rừng lấy đất sản xuất và làm nhà ở.

Rừng Tây Nguyên còn chịu sự chi phối của hơn 2.000 cơ sở, xưởng chế biến lâm sản; trong đó có hàng trăm cơ sở đóng gần cửa rừng. Thực tế nhiều cơ sở đã tiêu thụ lớn lượng gỗ lậu, nhưng công tác kiểm tra, xử lý rất khó khăn.

Theo báo cáo tổng kết trong 6 tháng đầu năm tại huyện Ea Súp (Đắk Lắc), tổng diện tích rừng bị tàn phá trên 131ha, trong đó xã Cư M’lan và Ea Bung là điểm nóng nhất về tình trạng phá rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên 81 ha. Thủ đoạn phá rừng khá tinh vi, nhiều cây gỗ bị đốn hạ xong sẽ cưa ngắn chờ cơ hội thuận lợi vận chuyển ra khỏi rừng tiêu thụ; tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài, ngay sát trụ sở UBND xã và lực lượng chức năng nhưng không phát hiện, xử lý gì?.

Ông Nguyễn Tuấn Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ tính riêng tháng 7/2017, toàn tỉnh đã xảy ra 95 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tang vật cơ quan chức năng tịch thu 197m3 gỗ các loại, 25 máy móc khai thác và phương tiện vận chuyển gỗ trái phép...

Tỉnh Đắk Nông là một trong những điểm nóng về phá rừng và lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp nhất Tây Nguyên. Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông vừa có kết luận thanh tra Hợp tác xã (HTX) Hợp Tiến được UBND tỉnh cho thuê hơn 1.200ha rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong vào tháng 2/2016.

Sau hơn 1 năm nhận đất, HTX để mất 53ha rừng và 270ha khác đang bị tranh chấp gay gắt; nguyên nhân là ranh giới đất giữa người dân và HTX chưa rõ ràng, cụ thể; tình trạng lấn chiếm đất nhiều năm nay nhưng không được xử lý dứt điểm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông lập hồ sơ từng vụ việc phá 53ha rừng và chuyển cho Cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý 16 vụ nghiêm trọng với diện tích rừng bị phá là 22,6ha rừng.

Tỉnh Đắk Nông là một trong những điểm nóng về phá rừng và lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp nhất Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Nông là một trong những điểm nóng về phá rừng và lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp nhất Tây Nguyên

Tại Gia Lai, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh phát hiện nhiều năm qua, 2 BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê và Yă Hội đã để mất hơn 2.000ha đất rừng. Cụ thể: BQL Rừng Yă Hội được giao hơn 1.293ha đất rừng đã bị mất hơn 771 ha (chiếm 59,6%);  BQL Bắc An Khê được giao quản lý hơn 1.466ha đất rừng, đã để dân lấn chiếm hơn 1.266ha (chiếm 86,3%). Điều khó hiểu là, chính quyền địa phương phát hiện và báo cáo cho lãnh đạo các BQL về trường hợp lấn chiếm đất rừng, nhưng hầu như không thấy BQL xử lý hoặc nếu xử lý thì không nghiêm minh.

Với hậu quả để mất hàng ngàn ha đất rừng, ông Trương Phước Anh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Gia Lai vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách với thời hạn 12 tháng đối với ông Đỗ Hữu Long- Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê và kỷ luật cảnh cáo thời hạn 12 tháng đối với ông Trương Duy Sinh- Trưởng BQL rừng phòng hộ Yă Hội.

UBND tỉnh và Sở NN&PTNT Đắk Nông cũng đã ban hành nhiều văn bản xử lý kỷ luật đối với 43 cán bộ, công chức kiểm lâm tại Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức bằng các hình thức: Kiểm điểm rút kinh nghiệm 28 công chức; khiển trách 7; cảnh cáo 4; cách chức 3 trường hợp; buộc thôi việc 1 trường hợp. Tiến hành luân chuyển, điều động và bổ nhiệm mới chức danh Chủ tịch, Giám đốc và các Phó Giám đốc nhiều Cty lâm nghiệp và các BQL rừng phòng hộ như: Đắk Wil, Nam Tây Nguyên, Đức Hòa, Nam Nung, Gia Nghĩa…

Đối với các vụ việc nghiêm trọng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh và các huyện, thị xã đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số cán bộ là Giám đốc, Phó Giám đốc Cty lâm nghiệp; Giám đốc xí nghiệp trực thuộc Cty và cán bộ quản lý bảo vệ rừng 2 Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức và Gia Nghĩa. Riêng vụ việc tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân, Thuận Tân, Đức Hòa và các vụ phá rừng quy mô xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Glong, Đắk Song và Tuy Đức; cũng đang được tập trung điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc xử lý nghiêm hành vi phá rừng, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng và của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Sớm giảm áp lực về rừng, như hỗ trợ dân di cư tự do định canh, định cư; giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho họ; kiên quyết đóng cửa những cơ sở chế biến lâm sản hoạt động gần sát rừng.

Sớm hoàn chỉnh quy hoạch, quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp một cách thống nhất và chặt chẽ; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển lâm nghiệp bền vững; chăm lo tốt đời sống cho lực lượng lao động trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg, ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ”. Về lâu dài, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2025”.

Bài & ảnh:Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Rừng vẫn bị tàn phá sau lệnh đóng cửa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO