Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý

29/09/2017 00:00

(TN&MT) - Phát triển dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính Nhà nước, là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính (CCHC), Bộ TN&MT đã và đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các văn bản Luật, cùng trình độ ứng dụng CNTT của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao chắc chắn dịch vụ công trực tuyến sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTNMT quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập đầy đủ thông tin theo yêu cầu trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: dvctt.monre.gov.vn. Ngoài ra, Thông tư còn quy định quy trình khai; tiếp nhận, xử lý thông tin khai và trả kết quả thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử; xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến... Trước ngày 30/11 hàng năm, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch bổ sung, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ TN&MT đạt hiệu quả.

DVCTT là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính Nhà nước. Ảnh: MH
DVCTT là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính Nhà nước. Ảnh: MH

Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Bộ đang tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính để đáp ứng tính pháp lý của công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến; và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Cục Công nghệ thông tin đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành tạo thuận lợi thương mại tại Bộ TN&MT, dự kiến trình Bộ trưởng ban hành trong tháng 9/2017 và dự thảo Quy chế công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, dự kiến trình Bộ trưởng ban hành trước 15/10/2017. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ để triển khai các TTHC theo kế hoạch năm 2017 tại Quyết định số 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6/2017, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/11/2017.

Phối hợp với Tổng cục Môi trường công bố và quảng bá về các DVCTT lĩnh vực môi trường để người dân, doanh nghiệp biết, tiếp cận và sử dụng, khai thác, nhằm tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp lựa chọn phương thức điện tử.

Đặc biệt, thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin sẽ xây dựng bổ sung chuyên mục “Công khai hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính” trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ nhằm công khai, minh bạch kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tạo điều kiện để phản biện xã hội. Tiếp tục đảm bảo vận hành, hoàn chỉnh các phần mềm ứng dụng hiện đang triển khai tại Bộ, đồng thời, theo dõi, hướng dẫn và xử lý kịp thời, nhanh chóng các vướng mắc phát sinh trong quá trình sử dụng của các đơn vị.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc hoàn thiện các văn bản Luật cần chú ý đến việc cử công chức làm việc tại bộ phận một cửa, đồng thời, phải có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với họ. Bởi nếu công chức thực hiện việc nhập thông tin hồ sơ lơ là, thiếu trách nhiệm, sẽ dẫn đến tình trạng chỉ kiểm soát được quy trình ban đầu, còn tại các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính rất khó theo dõi và sẽ làm sai lệch kết quả giải quyết.

Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014 và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của nước ta được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, để đạt mục tiêu nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và lên thứ 70 vào năm 2020, dịch vụ công trực tuyến - phần cốt lõi của Chính phủ điện tử còn phải vượt qua nhiều thử thách.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO