Tạo dựng giá trị cốt lõi

Ngọc Lý| 14/04/2020 09:45

(TN&MT) - Đa phần các nước phát triển chỉ biết dựa vào khai thác tài nguyên đều là những nước nghèo, các nước biết dựa vào tri thức, lấy tri thức làm nòng cốt mới là nước giàu có. Chính vì vậy, lựa chọn chiến lược theo hướng bền vững cùng lúc hứa hẹn một tương lai tốt đẹp và có thu nhập cao hơn.

Ở thời điểm dịch bệnh đe dọa toàn thế giới như hôm nay, những điều này lại càng thể hiện rõ chân thực giá trị.

Nhìn lại thời gian qua, điểm lại quá trình phát triển của mình, chúng ta sẽ giật mình khi thấy rằng, không còn nhiều những “ưu đãi” mà tự nhiên ban tặng. Những thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới ngày một trầm trọng là rất lớn.

Ngay những điều hiện hữu trước mắt thôi, khi mà không khí, nguồn nước, dầu mỏ, than đá đã được khai thác có hiệu quả hơn trăm năm qua, thì bây giờ cũng đến lúc phải tính đến hiệu quả sử dụng phải bao gồm cả khả năng bảo tồn tài nguyên môi trường.

Hơn 100 dòng sông quan trọng đã nuôi dưỡng một dân tộc trồng lúa nước hàng ngàn năm qua đang có nguy cơ hạn hán, lụt lội và ô nhiễm ngoài ý muốn con người. Cả một vùng ĐBSCL trù phú bây giờ khắc khoải trong hạn mặn.

Phát triển tài nguyên thiên nhiên bền vững

Việt Nam có tiềm năng thủy điện lớn, cơ cấu nguồn với tỉ lệ thuỷ điện cao là một lợi thế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước có hiệu xuất sử dụng điện kém nhất trên thế giới. Cùng tiêu thụ 1 kWh, Việt Nam chỉ làm ra chưa đầy 0,9 USD GDP, trong khi Philippines làm ra nhiều hơn gấp đôi (1,9 USD), Hàn Quốc còn nhiều hơn, tới 2,2 USD. Các nước tiên tiến có tỉ lệ còn cao hơn, với 1 kwh làm ra 3 - 5 USD, muốn tăng 1% tăng trưởng GDP hàng năm, Việt Nam phải tăng điện năng lên 2,1%, trong khi các nước đang phát triển chỉ tăng chưa đầy 1,5%, thậm chí, còn ít hơn. Ở các nước kinh tế tiên tiến, con số này còn thấp hơn dưới 1,5%. Đó là điều làm cho đất nước, tuy phát triển với tỷ lệ tăng trưởng trên 6% GDP/năm suốt một thập kỷ qua, nhưng sự phát triển lại kém tính bền vững và không có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn khoa học cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

Thêm nữa, cùng với một môi sinh văn hóa - thiên nhiên bền vững là điều cần nghĩ tới trong quá trình khai thác và sử dụng năng lượng ở nước ta. Khi ta bật một bóng đèn, khi uống một cốc nước, khi nhấn ga xe máy, chặt một cái cây, câu một con cá có lẽ không thể không nghĩ đến cái ngày đất trời không còn chiều lòng mình nữa. Đào than đá đã chạm đến dãy Yên Tử. Những dãy núi đá giờ đã nham nhở. Sông Dâu và sông Tiêu Tương đã mất, sông Nhuệ đang biến thành những con ngòi. Sông Cầu nên thơ và sông Đáy trong vắt gần như không còn con cá và ai dám nhảy xuống sông tắm nữa...?!!! Tất cả, là đơn cử nho nhỏ cho việc suy thoái nguồn năng lượng tự nhiên, trong khi chúng ta có thể kịp làm tốt hơn những gì còn lại.

Các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, xây dựng công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… là cuộc đua rất tốn kém, mệt mỏi, để lại hậu quả khó lường về môi trường, và không tạo được lợi thế so sánh lâu dài.

Thế giới đang bước vào kỉ nguyên tri thức, phát triển kinh tế tri thức. Việt Nam còn thiếu một chính sách cụ thể để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về kĩ thuật và quản lý, thu hút nhân tài.

Công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn vẫn chưa phát triển ở Việt Nam, năng suất công nghiệp còn thấp, hiệu quả đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR còn cao >10 khu vực Nhà nước, 3 - 5 khu vực tư nhân.

Cách thức phát triển như vậy khó có thể tạo ra đột phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng giá trị cốt lõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO