Tăng cường cảnh báo thiên tai tới cộng đồng vùng sâu, vùng xa

Tuyết Chinh| 23/07/2020 17:16

(TN&MT) - Hệ thống cảnh báo, truyền thông về thiên tai tới cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán… là vướng mắc lớn đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ ra trong đợt kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ngày 22-23/7.

188 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai, trong năm 2019, địa phương chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5 và số 6; hạn hán xảy ra nghiêm trọng đã làm 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa và công trình hạ tầng. Thiệt hại ước tính khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai (dông lốc, han hán) xảy ra đã làm hư hỏng nhà cửa, ảnh hưởng hoa màu của người dân, ước tính thiệt hại khoảng 188 tỷ đồng.

Gió lốc xoáy làm sập nhà của một hộ dân ở Gia Lai năm 2019. Ảnh:QĐND

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương và các ngành đã hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, huy động nguồn lực triển khai các phương án ứng phó, khắc phục các thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Trong đó, UBND tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng cho người dân có diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, phân bổ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng khôi phục công trình giao thông. Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình về phòng chống thiên tai, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai đặc biệt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để cắm biển cảnh báo và bố trí di dời tái định cư vùng thiên tai.

Tuy nhiên, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%; số hộ nghèo chiếm hơn 10%. Nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu cần được sửa chữa, tu bổ, nâng cấp để đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài.

Bên cạnh đó hạn chế về con người và trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống thiên tai ở địa phươn. “Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán…”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai nêu.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và PCTT

Theo đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, địa phương cần triển khai xây dựng phương án ứng phó thiên tai gắn với bản đồ rủi ro thiên tai; công tác di dời dân, việc quản lý, thu và sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai; đầu tư trang thiết bị cảnh báo dự báo; đảm bảo an toàn hồ chứa đặc biệt sự phối hợp giữa các chủ hồ.

Trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo cho rằng, cần bổ sung báo cáo kết quả triển khai Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; lồng ghép nội dung về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy trong trường học theo Nghị quyết 76. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng cho người dân và học sinh về phòng tránh thiên tai để chủ động phòng tránh.

Đoàn công tác của BCĐ TWPCTT đi kiểm tra thực địa tại hồ Biển Hồ - Thành phố Pleiku

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trường đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đi kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum đánh giá, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai công tác này tương đối bàn bản với nhiều tin bài, chuyên trang chuyên đề cụ thể nhằm tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về phòng chống thiên tai.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, sắp tới, tỉnh Gia Lai cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về phòng chống thiên tai gắn với đặc điểm tình hình thực tiễn tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chức năng nhiệm vụ, rà soát hệ thống văn bản, quy định về phòng chống thiên tai; kiểm tra quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn hồ đập. Tổ chức diễn tập theo từng quy mô, cấp độ, đảm bảo vừa nâng cao nhận thức và tăng cường kỹ năng thực hành. Thực hiện đầy đủ phương châm “bốn tại chỗ”.

“Tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và phòng chống thiên tai”, Thứ trưởng lưu ý.

Trưởng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho hộ dân trong khu vực nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng chưa được di dời và chủ động đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thành xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai, ban hành quy chế chi tiêu Quỹ Phòng chống thiên tai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường cảnh báo thiên tai tới cộng đồng vùng sâu, vùng xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO