Tân Trụ (Long An): Quản lý hiệu quả đất đai để phát triển
(TN&MT) - Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Tân Trụ đã và đang tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là tăng cường phát huy nguồn lực, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. PV đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, Tân Trụ đã có những điểm nổi bật nào đáng ghi nhận nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện?
Ông Trịnh Phước Trung:
Thời gian qua, địa phương đã có sự đổi mới mạnh mẽ và tích cực trong công tác công khai, áp dụng các quy định về bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, việc công bố rộng rãi được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức phù hợp. Song song đó, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân, cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được nâng lên, từ đó đã khắc phục được sự phiền hà của người dân, đưa công tác cải cách hành chính của huyện lên hạng Nhất 2 năm liền (2021, 2022) và hạng Nhì (năm 2023).
Đồng thời, công tác lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, cũng như kế hoạch sử dụng đất hàng năm được thực hiện sát thực tế, kịp thời và theo đúng quy định. Đây là cơ sở hết sức quan trọng trong việc định hướng và bố trí sử dụng đất cho các ngành và lĩnh vực về nhu cầu sử dụng đất, phục vụ cơ bản cho nhu cầu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cũng như định hướng phát triển cho cấp xã.
Những việc làm này đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo tính hiệu quả, khoa học và hợp lý, đưa công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nền nếp.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn liền với công tác vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn cũng được phát huy mạnh mẽ. Sự đóng góp to lớn về đất đai, tài sản gắn liền với đất của từng người dân đã tạo quỹ đất phục vụ thi công nhiều tuyến đường bê tông mới ở từng xóm ấp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của quê hương.
Ngoài ra, trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; việc thực hiện bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao từ người sử dụng đất.
Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng đất thực hiện các dự án, công trình, điển hình như: Dự án Khu dân cư chỉnh trang đô thị trung tâm thị trấn Tân Trụ 2; công trình quốc lộ ra 110kV Trạm biến áp 220kV Bến Lức; nâng cấp, mở rộng đê bao sông Vàm Cỏ Tây; 22 công trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn có mặt đường từ 5 mét trở lên thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/HU; mở rộng nhiều trường học trên địa bàn các xã, thị trấn…
PV: Như vậy, từ kết quả quản lý hiệu quả đất đai đã góp phần vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương ra sao, thưa ông?
Ông Trịnh Phước Trung:
Có thể khẳng định, từ việc tăng cường phát huy nguồn lực, quản lý, sử dụng đất hiệu quả trong thời gian qua đã và đang góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và trên lĩnh vực đất đai nói riêng đã được thực hiện tốt, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội đầu tư, cũng như an tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Điền hình nhất, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện đã phân vùng sử dụng đất phù hợp, nhằm phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, định phướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên đất bước đầu đã được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới; quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được khoanh định một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Và cũng chính từ quy hoạch này đã định hướng hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ sinh học; vùng nuôi bò thịt chất lượng cao, ứng dụng công nghệ lai tạo giống, quy trình nuôi khép kín; vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao theo hướng Viet Gap… phát huy hiệu quả khá tốt, góp phần nâng tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản và từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Từ đó giúp người sử dụng đất có định hướng đúng đắn, lựa chọn hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, phát triển bền vững.
Ngoài ra, hiệu quả từ việc sử dụng đất thời gian qua thông qua việc hình thành nên các cửa hàng tiện ích hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, các loại hình, sản phẩm du lịch ven 02 sông Vàm Cỏ, gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của huyện từng bước phát triển… đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, tạo nhiều việc làm giúp đỡ người dân có công việc ổn định, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
PV: Thời gian tới, huyện Tân Trụ đề ra những giải pháp nào để tăng cường quản lý, phát huy lợi thế nguồn lực đất đai nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững?
Ông Trịnh Phước Trung:
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, tạo nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, huyện Tân Trụ sẽ tập trung ra sức thực hiện các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai các cấp. Quan tâm đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công chức địa chính cấp xã, trong đó chú trọng về phẩm chất đạo đức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là chú trọng cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản, hiệu quả, đúng theo quy định trên tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hồ sơ địa chính mới, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính tập trung theo hướng hiện đại; cùng với đó là cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên đất đai, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thứ tư, quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, đồng thời xử lý nghiêm việc sử dụng đất không đúng mục đích được giao đất, cho thuê đất.
Thứ năm, tập trung phát huy tối đa các nguồn lực về đất đai, nhất là những tiềm năng, lợi thế riêng của huyện phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ sáu, địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn như: các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở dịch vụ gắn với du lịch xanh…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!