Biến đổi khí hậu

Tân Trụ (Long An): Ứng phó BĐKH để ổn định đời sống, sản xuất

Bạch Thanh (thực hiện) 27/06/2024 - 19:04

(TN&MT) - Là huyện vùng hạ của tỉnh Long An, thời gian qua, dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, Tân Trụ đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về những tác động tiêu cực của BĐKH đối với địa bàn huyện Tân Trụ trong thời gian qua?

Ông Trịnh Phước Trung:

Tân Trụ là huyện thuộc vùng hạ của tỉnh Long An được bao bọc bởi 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH. Thời gian qua, do ảnh hưởng của BĐKH nên thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, ngày càng bất thường khó dự đoán; xu hướng xâm nhập mặn, triều cường, giông lốc, sét, sạt lỡ bờ sông, rạch gia tăng đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

trung-ct.jpg
Ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ

Cụ thể nhất là trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra các loại hình thiên tai do BĐKH như: Lốc xoáy và mưa to làm sập, tốc mái và sụt lún 17 ngôi nhà của người dân. Hạn hán làm sạt lở bờ sông, rạch với 12 điểm trên địa bàn 7 xã của huyện với chiều dài trên 724 m và ăn sâu vào đất liền từ 4-8 m; đặc biệt hạn hán đã gây sụt lún và làm nứt tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Đông địa bàn xã Tân Phước Tây với chiều dài khoảng 428 m gây sụt lún từ 0,1- 0,7 m. Mưa to kèm theo sét đã làm chết 01 người dân; gây tổng thiệt hại khoảng 415 triệu đồng.

Ngoài ra, xâm nhập mặn đã xảy ra tuy chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái nhưng làm tăng chi phí sản xuất của người dân bình quân từ 2-4 triệu đồng/ha tùy theo cây trồng cho chi phí bơm nước tưới cây. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã tác động trực tiếp đến 1.455 hộ dân tại các xã vùng hạ của huyện bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào những tháng mùa khô, tình trạng này buộc UBND huyện phải thực hiện việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương hỗ trợ nước sinh hoạt để giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

PV: Trước tình hình trên, địa phương đã có những giải pháp gì để chủ động ứng phó, nhằm hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, thưa ông?

Ông Trịnh Phước Trung:

Trước những tác động của BĐKH ngày càng theo hướng cực đoan, UBND huyện Tân Trụ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để thông tin cho người dân trên địa bàn chủ động ứng phó, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung phòng chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, đảng viên và người dân nắm rõ để thực hiện theo khi xảy ra các sự cố thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

h2.png
Là huyện vùng hạ, Tân Trụ chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH

Cùng với đó, thường xuyên củng cố Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến xã để chủ động trong công tác chỉ huy, điều hành ứng phó khi thiên tai xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Bên cạnh, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước sinh hoạt và nước sản xuất để tưới cho cây trồng bằng các biện pháp như sử dụng hồ, lu, bình chứa nước mưa, đào ao trữ nước trong vườn nhà. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện thi công các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa bão, trữ nước với lưu lượng cao nhất trong thời điểm xâm nhập mặn.

Đồng thời nhân rộng các mô hình canh tác lúa theo hướng thích ứng với BĐKH như: Sử dụng giống lúa có khả năng chịu hạn, mặn cao để gieo trồng tại những khu vực thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn và khó tiếp cận với nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo; bố trí lại lịch thời vụ gieo sạ lúa theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa vụ 3 (vụ Thu Đông hàng năm) để chuyển sang luân canh với cây rau màu, dưa hấu là cây trồng thế mạnh của huyện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng luân canh cây rau màu, dưa hấu với cây lúa để tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất và giảm, tiết kiệm được nguồn nước tưới.

Ngoài ra, địa phương cũng quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân khi thiên tai xảy ra gây thiệt hại đến sản xuất và tài sản, tính mạng của người dân; đồng thời xây dựng các tổ phòng chống, khắc phục thiên tai tại các ấp để thực hiện tốt phương châm 3 sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) khi xảy ra thiên tai.

PV: Thời gian tới, huyện Tân Trụ sẽ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH nhằm ổn định sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn?

Để ổn định sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, trong thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên là huyện tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng chống, ứng phó với xâm nhập mặn vào những tháng mùa khô và sạt lở trong mùa mưa bão. Nhất là thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thời tiết, thủy văn trên các bản tin của cơ quan chuyên môn để kịp thời thông tin đến người dân và đề ra các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai.

h3(1).jpg
Tân Trụ triển khai nhiều giải pháp ứng phó BĐKH nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân sinh

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo các ngành huyện rà soát và thực hiện việc nạo vét kênh, rạch để khơi thông dòng chảy và tăng khả năng trữ nước trong những tháng mùa khô hạn, xâm nhập mặn; sửa chữa lại các công trình thủy lợi nội đồng, công trình cống ngăn mặn đáp ứng mục tiêu thoát, cấp nước và ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của huyện để ứng phó với BĐKH trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thứ ba, thực hiện việc phối hợp với các đơn vị cung cấp nước sạch để triển khai thi công các tuyến ống nước đều khắp trên địa bàn huyện nhằm cung cấp nước sạch cho người dân trong những tháng mùa khô hàng năm, đồng thời thực hiện tốt việc vận động, tiếp nhận nguồn hỗ trợ và phân phối đúng, kịp thời dụng cụ chứa nước, nước uống, nước sinh hoạt từ các tổ chức, cá nhân trong ngoài địa phương hỗ trợ.

Thứ tư, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch và theo hướng sử dụng các giống cây trồng chịu hạn cao, cũng như việc luân canh cây lúa với cây rau màu để tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu. Song song đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH để góp phần giảm thiểu thiệt hai do thiên tai gây ra và giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Thứ năm, huyện sẽ tập trung duy trì và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, đồng thời thực hiện tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung tại những khu vực có cùng điều kiện về thổ nhưỡng, lợi thế phù hợp với loại cây trồng để canh tác nhằm tạo ra hàng hóa lớn có tính cạnh tranh cao để ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Trụ (Long An): Ứng phó BĐKH để ổn định đời sống, sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO