Trữ lượng tài nguyên khoáng sản huyện Tam Đường tương đối lớn. |
Huyện Tam Đường được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, chủ yếu là khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một số mỏ khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: Mỏ đất hiếm Đông Pao; mỏ vàng, vàng đa kim ở các xã: Khun Há, Tả Lèng, Thèn Sin; mỏ sắt, chì, kẽm…
Ông Cầm Đức Chiến, Trưởng phòng TN&MT huyện Tam Đường cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ đáp ứng nhu cầu vật liệu tại địa phương. Trong quá trình khai thác, các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động và đóng góp một phần ngân sách cho địa phương.
Trong năm 2020, tổng số Giấy phép khai thác khoáng sản đã và đang triển khai khai thác trên địa bàn huyện là 2 Giấy phép (2 giấy phép gia hạn khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Bình Lư). Có 1 Giấy phép thăm dò khoáng sản đất sét tại mỏ sét Noong Luống xã Bình Lư. Hiện có 1 mỏ đá và 3 mỏ sét đã được phê duyệt trữ lượng thăm dò, đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác (gồm mỏ đá tại bản Hà Giang xã Bản Giang, 3 mỏ sét tại xã Bình Lư).
Khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường. |
UBND huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND các xã thị trấn tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Năm 2020, UBND huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản theo Quyết định 2251/QĐ-UBND ngày 30/10/2020, phối hợp cùng đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra khai thác khoáng sản của bãi vàng Chinh Sáng. Qua kiểm tra về cơ bản việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đã chấp hành theo các quy định của pháp luật.
Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được UBND huyện thường xuyên quan tâm thực hiện. UBND huyện đã ban hành 3 Công văn chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban có liên quan, UBND các xã thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền; 1 thông báo về việc thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát đảm bảo yêu cầu công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi diện tích đất thực hiện dự án. Chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các xã Bản Bo, Bình Lư tuyên truyền vận động và tổ chức cho 17 hộ dân ký cam kết không khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện vẫn gặp phải không ít khó khăn do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế; nhận thức của người dân chưa đồng đều dẫn đến nhiều khó khăn cho quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cán bộ tham mưu về công tác khoáng sản còn kiêm nhiệm trong khi khu vực có tài nguyên khoáng sản tương đối rộng, phức tạp gây khó khăn trong công tác nắm bắt địa bàn cũng như xử lý khi có vi phạm. Thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Huyện Tam Đường cần siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. |
Cùng với đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tại một số xã vẫn còn hiện tượng người dân khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép (như khai thác, vận chuyển đất hiếm, fluorit trái phép tại xã Bản Hon).
Cụ thể, trong năm 2020, qua kiểm tra, đã phát hiện và ngăn chặn 1 trường hợp tàng trữ khoáng sản đất hiếm trái phép tại nhà người dân với số lượng 170 bao trọng lượng khoảng 7.000 kg quặng đất hiếm. Các đơn vị đã vận động người dân bàn giao cho Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO quản lý; phát hiện 260 bao khoáng sản (có trọng lượng khoảng 13.000 kg) nghi là quặng flourit tại vị trí thân quặng F9 của Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu thuộc bản Nà Khum, xã Bản Hon, các đơn vị chức năng đã hoàn thổ toàn bộ số khoáng sản trên.
Qua kiểm tra phát hiện 2 công dân thuộc xã Sùng Phài, TP. Lai Châu và thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ đang vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp với tổng trọng lượng khoảng 4.977 kg (thành phần khoáng vật Fluorit từ 78% đến 80%). Công an huyện Tam Đường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổng số tiền 11 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Trước thực trạng trên, huyện Tam Đường cần siết chặt hơn công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.