Câu chuyện môi trường

“Tái chế vì hạnh phúc” tạo sinh kế cho người khuyết tật

Lan Anh 26/08/2024 - 15:49

(TN&MT) - Vải thừa sau khi thu gom đã được các chị em khuyết tật tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng, gọi tắt là CORMIS sáng tạo thành sản phẩm tái chế có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao như: túi xách, túi đi chợ, khẩu trang, kẹp tóc, sổ tay, đế lót ly, con thú bằng vải... Hoạt động này vừa bảo vệ môi trường vừa tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ yếu thế trong xã hội.

Nhân lên vòng đời tử tế của rác vải

Trong gian nhà nhỏ nằm trên đường Võ Trường Toản (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), giữa ngổn ngang những đống vải vụn là tiếng cắt may, tiếng cười nói của các chị phụ nữ rộn ràng cả một góc phố. Khác với những xưởng may thông thường, thợ may ở đây chủ yếu là những người phụ nữ khuyết tật, yếu thế.

vaivun3.jpg
Những mảnh vải vụn tưởng chừng như vô giá trị dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ khuyết tật sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích

Các chị đến từ nhiều nơi và gặp gỡ nhau tại CORMIS. Với nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, các chị đã bước qua những mặc cảm, trở ngại mà số phận mang đến để sống có ích hơn bằng việc thu gom, nhặt nhạnh những mảnh vải vụn vặt may vá thành những chiếc túi, chiếc balo nhỏ xinh...

Tại Trung tâm, chị Ngô Thị Thu Hồng là một thợ may “cứng”. Trước đây, chị Hồng có công việc là sửa chữa quần áo cho mọi người rồi tình cờ biết đến Trung tâm và giờ đây chị cảm thấy cuộc sống của mình đã ý nghĩa hơn rất nhiều.

“Chưa bao giờ tôi thấy những mảnh vải thừa thay vì bị vứt bỏ lại được cắt may thành những sản phẩm ý nghĩa. Tôi thấy rất vui vì nó cũng đem lại cho tôi có thêm một nguồn thu nhập để giúp cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn. Ý nghĩa hơn nữa là tôi nhận ra mình cũng đang đóng góp một chút công sức trong việc giảm rác thải vải ra môi trường và môi sinh cho cộng đồng” – chị Hồng chia sẻ.

vaivun1.jpg
Sau khi thu gom rác thải vải, nhóm cùng nhau phân loại và may vá thành sản phẩm hữu ích

CORMIS được thành lập từ năm 2018 với mục tiêu mục tiêu giúp đỡ những phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện các hoạt động mang ý nghĩa xã hội... đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm CORMIS cho hay, mục tiêu của dự án là đào tạo kỹ năng làm việc cho người khuyết tật, giảm lượng rác thải, tái chế một cách sáng tạo rác thải vải trở thành các sản phẩm thời trang có thể sử dụng lại; từ đó, có thể giảm thiểu thói quen sử dụng một lần các sản phẩm nhựa và các nguyên liệu khác.

“Rác thải vải là vấn nạn ô nhiễm thứ 2 trên toàn cầu sau rác thải dầu, mỡ. Thông qua hoạt động này, nhóm “Tái chế vì hạnh phúc” mong muốn nâng cao nhận thức của người khuyết tật và người dân về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, những sản phẩm sau khi được tái chế, sử dụng và bán ra thị trường sẽ tạo thêm nguồn thu nhập cho chị em khuyết tật trang trải cuộc sống.” – chị Dung chia sẻ.

vaivun4.jpg
Những sản phẩm sau khi được hoàn thiện bởi đôi bàn tay của những người phụ nữ khuyết tật

Để có nguồn nguyên liệu duy trì hoạt động lâu dài, chị Dung đã hợp tác với các khách sạn lớn và các xưởng may mặc ở Đà Nẵng và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) gom vải thừa. Sản phẩm mà những người phụ nữ khuyết tật ở Trung tâm CORMIS làm ra không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn mang tính sáng tạo và độc đáo. Các chị đã sử dụng sự khéo léo của đôi tay cùng óc sáng tạo của mình, để biến vải vụn tưởng chừng như vô giá trị thành những sản phẩm có giá trị sử dụng cao và tinh tế từ sự phối hợp màu sắc đến đường may sắc sảo.

Truyền cảm hứng tái chế

Không chỉ coi tái chế vải vụn là sinh kế, đối với chị Mai Thị Dung, quan trọng hơn đó là lan tỏa tình yêu tái chế và lối sống xanh rộng rãi hơn trong cộng đồng. Xuất phát từ một người làm môi trường nên chị hiểu rõ mối nguy hại cho môi trường từ chất thải rắn công nghiệp với thành phần chủ yếu là vải vụn từ các xưởng may mà hiện nay công tác xử lý vẫn chỉ đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp. Với dự án “Tái chế vì hạnh phúc” biến vải vụn thành đồ vật hữu ích sẽ góp phần giảm tỷ lệ rác thải từ vải, bảo vệ môi trường. Gặp bất kỳ ai, chị cũng tỉ mỉ giới thiệu sản phẩm, chia sẻ hành trình tử tế đặc biệt của những mảnh vải vụn vốn đã bỏ đi.

vaivun6.jpg
Những sản phẩm tái chế của CORMIS được nhiều người ưa chuộng

“Trên hành trình “biến rác thành hoa”, tôi mong muốn câu chuyện tái chế, nhân lên những vòng đời tử tế của rác được lan tỏa rộng hơn đến mọi người. Những mảnh vải vụn bị coi như rác có thể trở thành sinh kế cho nhiều phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật.

Điều đặc biệt là trước đây, nhiều chị đến với Trung tâm đều nghĩ mình tay yếu, chân yếu làm sao có thể bảo vệ môi trường vốn hết sức nặng nhọc thì giờ đây các chị đã nhận ra mình vẫn có thể tham gia bảo vệ môi trường bằng việc lan tỏa thói quen tái chế, tiêu dùng xanh trong cộng đồng.”- chị Dung chia sẻ.

Thành công lớn nhất của dự án thu gom tái chế rác thải vải của Trung tâm CORMIS đến hiện tại có lẽ là ở niềm hạnh phúc của mỗi thành viên. Niềm hạnh phúc đó được thể hiện ngay ở nụ cười trên môi các cô, các chị khi cùng nhau thực hiện. Tại đây, họ không những tìm được việc làm, mà còn trở nên tự tin hơn, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, được thấy mình có ý nghĩa mà mà trước đó bản thân họ chưa hề nghĩ đến.

vaivun7.jpg
Sản phẩm mà những người phụ nữ khuyết tật ở Trung tâm CORMIS làm ra không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn mang tính sáng tạo và độc đáo

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh, thành viên của Trung tâm CORMIS, cho biết, chị rất vui và hạnh phúc bản thân mình đã tự tin khi giao lưu tiếp xúc với cộng đồng.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tự tay làm ra sản phẩm giá trị từ những mảnh vải vụn. Gần đây, tôi phụ trách thêm công việc hướng dẫn các em học sinh, sinh viên và kể cả khách quốc ế trải nghiệm cách phân loại rác vải và tái chế rác thải vải thành các sản phẩm có thể sử dụng. Từ khi tham gia công việc tái chế, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi, sống tích cực và có ích hơn”, chị Trinh chia sẻ.

Hiện nay chương trình “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc” đã xây dựng được 4 nhóm tái chế tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế với hàng chục thành viên nòng cốt.

vaivun.jpg
Gần 7 năm qua, CORMIS đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều người khuyết tật trong dự án "Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc".

Để chương trình hoạt động hiệu quả, chị Dung cho biết sẽ còn rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn sẽ chú trọng xây dựng năng lực cho các thành viên. Các thành viên được học tập, trau dồi kỹ năng về thiết kế, tái chế, bán hàng, làm việc nhóm, quản lý tài chính, điều phối các buổi hướng dẫn trải nghiệm cho các nhóm khách hàng, du khách… Qua đó giúp người khuyết tật tăng sự tự tin, mức độ hòa nhập xã hội, truyền cảm hứng về lối sống xanh và nghị lực vượt khó. Đồng thời thay đổi cách nhìn của cộng đồng về vai trò và khả năng của người khuyết tật trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tái chế vì hạnh phúc” tạo sinh kế cho người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO