Tái chế chất thải nhựa: Gặp khó!

31/05/2018 16:38

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp tái chế nói chung và tái chế nhựa nói riêng rất có tiềm năng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp tái chế nói chung và tái chế nhựa nói riêng rất có tiềm năng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tái chế chất thải nhựa gặp khó
Tái chế nhựa rất có tiềm năng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.
 
Nhiều tiềm năng
 
Nguồn phế liệu nhựa tại Việt Nam thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh.
 
Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc điều hành Công ty RKW Lotus khẳng định, nhựa có mặt hầu hết trong tất cả mặt hàng, sản phẩm. Riêng tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế.
 
Hoạt động kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất… Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là khoảng 300.000 đồng. Hiện, ở TP. HCM có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp nếu số chất thải này được mang đi tái chế, TP. HCM có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại TP. HCM vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy, cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.
 
Hiệp Hội nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải TP. HCM, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị. Nhưng tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Triển vọng của các sản phẩm nhựa tái chế là rất lớn, đặc biệt là bao bì thực phẩm và chai nhựa PET.
 
Nhận thấy những tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tới Việt Nam để mở xưởng sản xuất tái chế phế liệu nhựa. Sau khi thu được hạt nhựa, sẽ chuyển hạt nhựa thành phẩm về Trung Quốc. Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây sẽ là thách thức về môi trường của Việt Nam. Hiện trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận còn nhiều xưởng tái chế phế liệu tự phát, không nằm trong các khu công nghiệp nên khó kiểm soát, đảm bảo về môi trường.
 
Đối mặt ô nhiễm và công nghệ lạc hậu
 
Dù có nhiều triển vọng trong tương lai, nhưng trong quá trình phát triển thực tế, vẫn đối mặt với nhiều vấn đề.
 
Vì nguồn gốc của nhựa tái chế rộng rãi, chất lượng khác nhạu, sự khác biệt về hiệu năng cũng lớn, dẫn đến chất lượng kém và sự ổn định của nhựa tái chế. Bên cạnh đó, ngành nhựa tái chế đòi hỏi kỷ thuật công nghệ tương đối cao, trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đa số là doanh nghiệp nhỏ, phân tán. Dẫn đến một số trường hợp, nhựa tái chế có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Về cơ bản, tại các cơ sở tái chế, phân loại chất thải nhựa vẫn được tiến hành thủ công, công nhân có thể có nguy cơ bị chấn thương và mắc bệnh trong quá trình phân loại vật liệu.
 
Tái chế chất thải nhựa cũng có những tác động tiêu cực nhất định nếu các cơ sở tái chế không được quản lý đúng cách. Do rất nhiều chất thải nhựa được thu gom hàng ngày để tái chế nên các cơ sở thu gom có thể trở nên mất vệ sinh. Các địa điểm thu gom chất thải nhựa có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Hóa chất độc hại trong chất thải nhựa có thể lẫn vào nước và đất. Điều này có thể gây ra ô nhiễm nước và đất và gây hại cho thực vật và động vật sống ở sông và ao hồ. Khi chúng hòa lẫn vào nước mưa sẽ hình thành một hỗn hợp độc hại được gọi là nước rỉ rác. Hỗn hợp này có thể rất nguy hiểm nếu nó hòa vào nguồn cung cấp nước. Khi trời mưa, hầu hết nước bị ô nhiễm (nước rỉ rác) từ các bãi thu gop chất thải nhựa thấm sâu vào lòng đất và gây ô nhiễm nước ngầm.
 
Sau khi đã được phân loại, chất thải nhựa phải được xử lý để đạt các tiêu chí kỹ thuật của công đoạn tái chế thành phẩm. Quá trình rửa chất thải nhựa thường phát sinh nhiều chất thải. Công nghệ rửa, xử lý có vai trò quyết định đối với mức độ ô nhiễm, các tác động đến sức khỏe (công nhân thao tác và cộng đồng). Trong quá trình tái chế, bụi, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phát tán vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm không khí.
 
Có thể nói, lợi ích của tái chế chất thải nhựa lớn hơn những rủi ro liên quan đến sự quản lý yếu kém các điểm tái chế chất thải nhựa. Đây vẫn là sự phát triển của tương lai và các doanh nghiệp Việt Nam nếu tận dụng được lợi thế của mình thì khả năng phát triển rất lớn trong bối cành nguồn cung cho mặt hàng này vẫn đang thiếu hụt.
 
 
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.
    
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái chế chất thải nhựa: Gặp khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO