Sức bật mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

Xuân Hợp| 18/12/2020 11:38

(TN&MT) - Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng này phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ra đời cuối năm 2017 đã tạo bước triển chuyển lịch sử của vùng châu thổ lớn nhất cả nước.

Một góc TP. Ngã Bảy (Hậu Giang)

Thực tiễn, 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL. Việc triển khai Nghị quyết này đã đạt được 6 nhóm kết quả quan trọng, trong đó, các hoạt động đầu tư công có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh được quan tâm.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm "thuận thiên" đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019 - 2020 vừa qua, qua đó, chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Bằng chứng là cùng chịu thiệt hại về hạn mặn nhưng thiệt hại riêng diện tích lúa đợt hạn mặn kỷ lục năm 2019 - 2020 chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015 - 2016.

Về kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế, hạ tầng vùng, TP.HCM đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành ĐBSCL 1.165 dự án trị giá khoảng 280.000 tỷ đồng, hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP.HCM.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí kinh phí để triển khai các dự án cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự... Nhiều dự án trọng điểm kết nối hạ tầng cơ sở cũng đã được triển khai, gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, dự án kết nối vùng ĐBSCL...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư cho khu vực ĐBSCL được đặc biệt quan tâm, tổng vốn đầu tư so với cả nước tăng từ 12,2% trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,53% giai đoạn 2016 - 2020.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng thêm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới tạo thêm động lực mới cho toàn khu vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.

Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới. Một nguồn lực nữa là từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.

Về các công trình biến đổi khí hậu, trong đó, có các tuyến đê xung yếu, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay, đã tổng hợp khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ ngành xây dựng chương trình tổng thể để đầu tư căn cơ, bài bản, lâu dài cho vấn đề này.

Với việc tập trung nguồn lực theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang mở ra một chương mới, tạo sức bật để ĐBSCL cất cánh, trở thành vùng phát triển năng động của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO