Sự ra đời của Nghị định sẽ quản chặt hoạt động vận động từ thiện của các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân, tránh những vụ việc tranh cãi không đáng có thời gian qua. Ảnh minh họa |
Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và trình Chính phủ. Dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phù hợp thực tiễn hiện nay, trong đó, có một số điểm mới so với quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.
Cụ thể, nếu như tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ quy định vận động đóng góp tự nguyện đối với thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, với dự thảo mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đã bổ sung thêm quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định theo hướng cho phép kéo dài thời gian tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phù hợp với yêu cầu thực tế khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Sửa đổi, bổ sung quy định nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Đáng lưu ý, dự thảo còn đưa vào quy định về công khai (nội dung, hình thức, thời gian...) kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để đảm bảo minh bạch. Theo đó, để quản lý chặt chẽ hơn nguồn tiền này, dự thảo nghị định quy định rõ, việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, công khai; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận.
Đồng thời, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với UBND nơi tài trợ để đảm bảo phân phối kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch và thực hiện công khai kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trên các phương tiện truyền thông.
Trong khi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ cho phép các cơ quan thông tin đại chúng được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, thì dự thảo lần này đã bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Tại dự thảo Nghị định này cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật, sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; cấm lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Dự thảo Nghị định khi được ban hành hy vọng sẽ quản chặt hoạt động vận động từ thiện của các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân, tránh những vụ việc tranh cãi không đáng có thời gian qua.