Nội dung này được quy định cụ thể tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Dịch vụ và đối tượng được hỗ trợ
Theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định bao gồm các khoản chi phí trong hoạt động như: Tưới cho cây trồng; Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản; Cấp nước cho chăn nuôi; Tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị; Thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt.
Trong đó, các đối tượng thuộc diện được nhà nước hỗ trợ khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên bao gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất cây lương thực (bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm).
- Hộ gia đình, cá nhân nghèo theo quy định được Nhà nước giao sử dụng đất nông nghiệp.
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để làm muối.
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức để trồng rau, màu, mạ; cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông; cây ăn quả; hoa; cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản (trừ nuôi trồng tại hồ, đập, sông, suối, đầm...); chăn nuôi.
- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất trong hạn mức được giao khoán ổn định của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị.
- Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt tại địa bàn.
Mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi
Theo quy định, các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoản tiền dựa trên khối lượng công việc, nhiệm vụ thực tế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và khả năng chi trả của ngân sách địa phương để xác định mức hỗ trợ cụ thể. Còn lại tất cả các đối tượng khác được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Mức hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc một diện tích; một biện pháp tưới nước, tiêu nước; một mét khối; một nội dung công việc theo giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và trong điều kiện thời tiết bình thường.
Các đối tượng không được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải nộp tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định.
Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức khai thác công trình thủy lợi làm nhiệm vụ cấp, tưới tiêu nước ngoài phần kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được nhà nước chi trả còn được hưởng các khoản hỗ trợ kinh phí bảo trì (trừ trường hợp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo phương thức đấu thầu và đã tính trong giá dự thầu) và các khoản hỗ trợ tài chính khác theo quy định của pháp luật căn cứ vào khả năng ngân sách từng cấp. Việc cấp phát và thanh quyết toán các khoản hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.