TP.HCM xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện xanh
(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP, Sở Công thương, các địa phương về triển khai phát triển phương tiện xanh trên địa bàn thành phố.
Hai giai đoạn chuyển đổi phương tiện xanh
Để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải Thành phố (Sở GTVT TP) chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xanh, từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao. Từ đó, tham mưu UBND TP báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1: Tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn. Thời gian hoàn thành trong quý I năm nay.
Giai đoạn 2: Nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi các phương tiện giao thông còn lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm là đơn vị thực hiện thí điểm trong chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh. Thời gian hoàn thành trong quý III năm 2025.
Sở GTVT TP có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng hoàn thành hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành trạm sạc xe buýt điện trên địa bàn TP. Từ đó, trình UBND TP xét duyệt theo quy định, hoàn thành ngay trong quý I.
Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công an TP.HCM, các địa phương và đơn vị có liên quan rà soát mạng lưới đường bộ, các cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga... Từ đó, lập danh sách các vị trí đủ điều kiện để xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm sạc điện cho các phương tiện giao thông điện đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch tổng thể khu vực, có nơi đỗ xe và đấu nối giao thông phù hợp.
UBND TP cũng giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở GTVT TP trong việc kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới tuân thủ mức tiêu chuẩn khí thải theo quy định.
Bên cạnh đó cần rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao; rà soát chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh. Hoàn thành trong quý 1/2025.
Phân vùng kiểm soát khí thải
Để kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT TP.HCM đã có Quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ là đơn vị chủ trì thực hiện. Dự toán kinh phí xây dựng đề án khoảng 4,17 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2026. Phạm vi nghiên cứu vùng kiểm soát khí thải khu vực trung tâm TP.HCM (xem xét lấy ranh giới vùng thu phí) và huyện Cần Giờ.
Cụ thể, TP.HCM tập trung vào các phương tiện vận tải đường bộ bao gồm phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt, phương tiện thương mại như: xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải; phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) và phương tiện thuộc quản lý bởi các doanh nghiệp nhà nước (khối dân sự) và doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó nhóm đối tượng là người dân, doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã và các đơn vị hành chính công (khối dân sự), trường học, bệnh viện, khu công nghiệp.... có sở hữu phương tiện.
Sở GTVT TP giao Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng xây dựng và trình Sở GTVT phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng Đề án; phối hợp chặt chẽ với các sở ngành TP và các Bộ ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án và dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách.