Lợi nhuận khủng
Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải bài viết: Huyện Yên Định, Thanh Hóa: Sông Mã ngày đêm bị “rút ruột”, phản ánh thông tin hàng chục tàu hút cát ngày đêm sục thẳng vòi hút vào đất bãi bồi (thuộc địa phận thôn Trịnh Điện, xã Định Hải) khiến hàng trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân. Mặc dù sự việc xảy ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn loay hoay không tìm được giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên.
Tại thời điểm PV có mặt vào chiều ngày 19/3/2019, một tàu hút cát đang áp sát bờ sông Mã, cắm thẳng vòi hút vào vào khu vực bãi bồi của người dân để hút cát mặc dù khu vực đó đang diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, bờ sông bị biến thành vách đất dựng đứng cao từ 2-3m chênh vênh. Cách đó chừng 50m, 4 chiếc tàu hút khác sau khi đã “xả hàng” vào buổi sáng đang nằm đợi lệnh để hoạt động trở lại. Tổng số các tàu hút mà phóng viên quan sát được là 5 chiếc.
Chị Nguyễn Thị Thoa, một người dân sống ở thôn Trịnh Điện bức xúc cho biết: “Trước khi các anh đến chừng 15 phút, khu vực này có tới ba tàu đang hút cát. Tuy nhiên hai tàu vừa hút đầy nên đã mang cát đi bán. Tàu này cũng sắp đầy rồi. Các anh cứ nhìn là thấy, cả một đoạn sông dài mấy trăm mét đang sạt lở nghiêm trọng như thế này mà các tàu đua nhau cắm vòi hút vào để khai thác thì đất nào chịu nổi. Chúng tôi cũng được biết khu vực này nằm ngoài ranh giới mỏ cát mà công ty Nam Lực được phép khai thác nhưng xua đuổi thế nào chúng cũng trơ ra, coi như không nghe thấy. Nhân dân chúng tôi vô cùng bức xúc”.
Khi gửi hình ảnh và video các tàu hút cát này cho một chuyên gia trong lĩnh vực đường thủy (đề nghị giấu tên) thì người này cho biết: “Theo quan sát và ước lượng của tôi, mỗi tàu hút có dung tích chứa khoảng 100 m3 cát/1 tàu”. Trong khi đó, người dân nơi đây cho biết, mỗi tàu hút cát sẽ hoạt động với tần suất 2 lần/ngày (với khung giờ hoạt động theo sự phân công của ông trùm nhưng chủ yếu hoạt động mạnh vào thời gian từ 3h – 4h30 hàng ngày). Như vậy, mỗi tàu hút sẽ khai thác được khoảng 200 m3 cát/ngày. Nếu lấy số lượng tàu hút cát tối thiểu mà phóng viên quan sát được vào chiều ngày 19/3/2019 là 5 chiếc thì mỗi ngày, 5 chiếc tàu này sẽ khai thác được chừng 1000 m3 cát.
Cũng theo quan sát của PV, cát ở khu vực xã Định Hải rất đẹp và có cả cát vàng. Nếu tính giá bán cát tại thuyền ở mức thấp nhất là 100.000 đồng/1 m3 thì mỗi ngày, chủ mỏ cát thu lợi cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, một cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Định cho biết, công ty Nam Lực được cấp phép khai thác cát từ khoảng năm 2013 – 2014. Như vậy sau hơn 6 năm khai thác liên tục ngày đêm, số tiền mà chủ mỏ cát này thu về thực sự rất khủng khiếp.
Liệu có sự tiếp tay của chính quyền?
Nhằm tìm hiểu thông tin, chiều ngày 19/3/2019, PV báo TN&MT đã liên hệ với ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định để hẹn lịch làm việc thì nhận được lời hứa: “Sáng mai anh cứ đến trụ sở huyện, tôi sẽ phân công đồng chí Phó phòng TN&MT phụ trách khoáng sản tiếp”. Theo lịch hẹn, sáng ngày 20/3/2019, PV có mặt tại trụ sở UBND huyện Yên Định để làm việc theo lịch hẹn nhưng cán bộ phòng TN&MT cho biết, tất cả lãnh đạo của phòng đã đi họp hết. Liên hệ lại với ông Lưu Vũ Lâm để hỏi tình hình thì ông Lâm tìm cách né tránh và không chịu cung cấp thông tin cho báo chí.
Trong khi đó, một cán bộ phòng TN&MT huyện Yên Định trong khi tiếp nhận giấy tờ và thông tin mà PV để lại đã trao đổi thêm: “Đúng là trên địa bàn xã Định Hải đang xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Cách đây mấy hôm chúng tôi cũng vừa đi kiểm tra về. Tuy nhiên không thể nói bờ sông Mã sạt lở là do nạn hút cát được. Để khẳng định việc sạt lở do đâu cần phải có căn cứ khoa học mới có thể kết luận chính xác được”.
Cũng theo lời vị cán bộ này, khu vực sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn thôn Trịnh Điện nằm ngoài phạm vi được phép khai thác của công ty Nam Lực. “Nếu người dân phát hiện ra tàu hút cát nào khai thác ở khu vực này thì đều là khai thác trái phép và có thể báo chính quyền xã để xã cử người xuống xử lý. Hơn nữa, vấn đề này UBND huyện đã giao cho lực lượng công an kiểm tra, xử lý. Nếu các anh muốn nắm rõ tình hình thì phải liên hệ với công an để làm việc” – vị cán bộ này cho hay.
Trước đó khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch UBND xã Định Hải đã khéo léo đẩy trách nhiệm lên UBND huyện Yên Định khi cho biết: “các anh cứ làm việc với huyện để lấy thông tin và tài liệu cũng như các báo cáo từ xã”. Thế nhưng khi liên hệ với lãnh đạo huyện Yên Định thì xảy ra tình trạng né tránh, “đá bóng trách nhiệm” trong khi sông Mã vẫn đang ngày đêm “kêu cứu”. Trước thực tế trên, đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo, kiểm tra làm rõ những thông tin báo TN&MT phản ánh.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc