Sở TN&MT Sơn La đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước, KTTV |
Năm 2020 là năm thứ năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, trong đó có nhiều chỉ tiêu về môi trường. Nhìn lại chặng đường 5 năm 2016-2020, ngành TN&MT Sơn La đã phối hợp, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, với quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó BĐKH cho phát triển bền vững.
Triển khai thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực, Sở TN&MT đã phối hợp với Bộ TN&MT rà soát, đánh giá thực tiễn như: Hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của BCH Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 và định hướng sửa đổi Luật đất đai… Trên cơ sở đó, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hàng năm nhằm tăng cường kỷ cương, tháo gỡ ngay những vướng mắc về đất đai, tiếp tục khơi thông các nguồn lực tài nguyên, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Sở đã trình UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch trong năm 2019 để giải quyết các vấn đề lớn đặt ra với ngành, gồm: Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 cùa Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường, các kế hoạch để giải quyết vấn đề chất thải rắn, phòng chống rác thải nhựa, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về quản lý tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh, kiểm kê đất đai…
Công tác cải cách hành chính, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiện toàn bộ máy của ngành được đẩy mạnh. Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Công tác ứng phó BĐKH, phòng tránh thiên tai đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Trong từng lĩnh vực cụ thể, từ năm 2015 tới nay, đã cấp 116 giấy phép sử dụng tài nguyên nước; 67 giấy phép hoạt động khoáng sản, ban hành 66 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản với các giấy phép khai thác đã hết hiệu lực.
Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước, KTTV. Từ năm 2015 tới nay, đã tổ chức 29 cuộc kiểm tra hoạt động khoáng sản với 112 tổ chức, 77 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,7 tỷ đồng, tạm dừng hoạt động 9 giấy phép khai thác khoáng sản.
Lĩnh vực tài nguyên nước, đã tổ chức 14 cuộc thanh, kiểm tra với 81 lượt tổ chức, cá nhân, xử phạt 15 tổ chức vi phạm với số tiền hơn 600 triệu đồng. Phối hợp với các sở ngành tổ chức 1 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn với 65 dự án thủy điện.
Qua đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, yêu cầu khắc phục các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, KTTV; góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trong các lĩnh vực.
Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai cho người dân |
Trong công tác quản lý đất đai, Sở đã quán triệt, phổ biến nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai. Thực hiện nghiêm công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham mưu thực hiện chuyển mục đích hơn 830ha đất cho hơn 2.500 trường hợp; thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất cho gần 2.000 trường hợp, với diện tích hơn 46ha, thu nộp ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đúng theo quy định, bước đầu khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan, gây lãng phí.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai. Tới nay, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 66,5% chất thải rắn ở nông thôn được thu gom. 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý; 90% tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất…
Giai đoạn 2021-2025, Sở TN&MT Sơn La tiếp tục đặt ra mục tiêu tổng thể toàn ngành là: Ưu tiên phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường năng lực ứng phó BĐKH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Các chỉ tiêu cụ thể về môi trường được đề ra, gồm: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý năm 2025 đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn khu vực nông thôn được thu gom năm 2025 đạt 88%; tỷ lệ KCN, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, năm 2025, đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu, cụm công nghiệp được thu gom xử lý năm 2025 đạt 90%; tỷ lệ các đô thị loại IV có hệ thống xử lý nước thải năm 2025 đạt 33%; cơ sở có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục và truyền dữ liệu để quản lý theo quy định năm 2025 đạt 100%...
Phấn đấu hoàn thành và vận hành cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường một cách đồng bộ hiệu quả và chia sẻ kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia và của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đến năm 2025, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa lý nền tỉnh Sơn La; 80% khu vực đô thị và khu vực phát triển đô thị có cơ sở dữ liệu đất đai; 100% các hoạt động quản lý môi trường được vận hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường; 80% các hoạt động quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, KTTV được vận hành trên hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khoáng sản, KTTV.
Các dự án, nhiệm vụ về TN&MT giai đoạn 2021-2025 được dự kiến triển khai, gồm: Dự án tăng cường năng lực quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sơn La sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (VILG); xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai 4 huyện; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Sơn La…
Điều chỉnh, bổ sung khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường và đa dạng sinh học; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố; Dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh; đo đạc địa chính các huyện biên giới tỉnh Sơn La…
Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của các sông suối chính trên địa bàn tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La…