Xã hội

Cam Lộ (Quảng Trị): Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Đà Hải (thực hiện) 18/09/2024 - 11:34

Thời gian qua, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo công tác giảm nghèo; đưa các chỉ tiêu giảm nghèo vào trong Nghị quyết, Chương trình hành động của huyện. Đồng thời, lồng ghép các Chương trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới (NTM); tận dụng các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ.

h0.jpg
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)

PV: Xin ông cho biết kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo ở huyện Cam Lộ trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Anh Tuấn: Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao mức sống của người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng; góp phần xây dựng huyện Cam Lộ sớm trở thành huyện NTM nâng cao năm 2024 và huyện NTM kiểu mẩu năm 2025.

Trong giai đoạn 2021-2025 cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác giảm nghèo của huyện Cam Lộ đã đạt được một số thành quả cụ thể như sau: Đầu kỳ, số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện là 453 hộ, chiếm tỷ lệ 3,04%; số hộ cận nghèo là 634 hộ, chiếm tỷ lệ 4,25%; số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 42 hộ, chiếm tỷ lệ 0,28%, số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 46 hộ, chiếm tỷ lệ 0,31%. Đến nay, số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện còn 311 hộ (giảm 142 hộ so với đầu giai đoạn), chiếm tỷ lệ 2,09%; số hộ cận nghèo là 429 hộ (giảm 205 hộ so với đầu giai đoạn), chiếm tỷ lệ 2,88%; số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 13 hộ (giảm 29 hộ so với đầu giai đoạn), chiếm tỷ lệ 0,09%, số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 39 hộ (giảm 7 hộ so với đầu giai đoạn), chiếm tỷ lệ 0,26%.

h1.jpg
Huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo công tác giảm nghèo; đưa các chỉ tiêu giảm nghèo vào trong Nghị quyết, Chương trình hành động của huyện; đồng thời tận dụng các nguồn lực, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo

PV: Trong quá trình triển khai giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo trên địa bàn huyện đã gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, huyện Cam Lộ có nhiều thuận lợi và cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phần nào tiếp cận, nắm bắt được tầm quan trọng, ý nghĩa, định hướng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; các chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước.

Đồng hành với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ tích cực trong việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động, tích cực tham gia học nghề, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trong công tác giảm nghèo; vận động, sử dụng quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các chương trình như: Tết vì người nghèo, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…; nhận đỡ đầu giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện thấp, đa số là không có khả năng thoát nghèo (hộ BTXH, hộ là người già yếu, hộ không có người có khả năng lao động); các chương trình hỗ trợ của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm…. theo định hướng hỗ trợ thoát nghèo bền vững nên việc tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo ngày càng khó khăn; việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng gặp trở ngại do thiếu đối tượng đủ điều kiện và khả năng tham gia.

Ngoài ra, huyện Cam Lộ có Bản Chùa là đồng bào dân tộc thiểu số; còn mang nặng phong tục tập quán riêng, hiện nay nhận thức của các hộ gia đình còn nhiều hạn chế, người dân vẫn chưa thực sự có ý thức vươn lên thoát nghèo; mặc dù UBND huyện, xã đã rất nỗ lực trong việc vận động, hỗ trợ người dân tại Bản Chùa thoát nghèo, tuy nhiên việc thực hiện công tác giảm nghèo tại đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

h2(1).jpg
Nhờ trồng cây dược liệu, người dân Cam Lộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững

PV: Xin ông cho biết mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Cam Lộ trong thời gian tới?

Ông Trần Anh Tuấn: Trong thời gian tới, huyện Cam Lộ tiếp tục đặt công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Theo định hướng của huyện, Nghị quyết của HĐND huyện đã đặt ra chỉ tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khoảng 0,22%/năm; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của UBND tỉnh Quảng Trị giao.

Tập trung thực hiện có hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đảm bảo vận dụng mọi nguồn lực để huyện duy trì, các địa phương 100% đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều.

Về giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian tới, huyện Cam Lộ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân đối với công tác giảm nghèo (trong đó tập trung vận động, nâng cao nhận thức của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số), xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân. Đưa các chỉ tiêu của công tác giảm nghèo vào trong Nghị quyết, Chương trình hành động… của địa phương.

Nâng cao hơn nữa vai trò của UBMTTQVN và các tổ chức CT-XH các cấp trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo, tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, CTMTQG giảm nghèo bền vững: Tập trung vào các chính sách, chương trình mà hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng lợi trực tiếp; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo kịp thời thụ hưởng các chính sách thường xuyên như: Hỗ trợ mua BHYT, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện…

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo thông qua việc bồi dưỡng; thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được tham gia tập huấn, học tập nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác giảm nghèo tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam Lộ (Quảng Trị): Nỗ lực giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO