Tại Mường La, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường. Hoàn thành lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, công bố, công khai theo quy định; đang triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Thường xuyên hướng dẫn về thu gom xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, hành động của nhân dân về bảo vệ môi trường. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 91%; tại khu vực nông thôn đạt 82%.
Ông Dương Xuân Nam, Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La cho biết: UBND huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp xã, thị trấn với UBND huyện trong thực hiện cam kết về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Rà soát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Kiểm tra, lập biên bản xử lý với 12 hộ dân khai thác cát trái phép, vận động, làm cam kết với người dân không được tái phạm.
Còn tại huyện vùng biên Sốp Cộp, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về chuyển quyền sử dụng đất trái phép, xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích, khai thác khoáng sản trái phép, các hoạt động hành nghề khoan, khai thác nước và xử lý chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu gom rác về khu chôn lấp tập trung của bản, xã, hố rác di động của hộ gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Tiếp nhận, kịp thời xử lý và giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền theo quy định. Quá trình kiểm tra đều kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không để phát sinh các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã nỗ lực thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường từ huyện đến cơ sở.
Đến nay, 12/12 huyện, thành phố đã hoàn thành lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và UBND các xã, phường, thị trấn. Ký cam kết với các cơ sở kinh doanh sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2022 - 2023 về đảm bảo công tác môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước.
Thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải rắn nông thôn. Kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân về ô nhiễm môi trường.
Lĩnh vực tài nguyên nước, phối hợp rà soát, thẩm định các hồ sơ, dự án có nhu cầu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước gắn với bảo vệ và phát triển nguồn nước phục vụ đa mục tiêu. Qua đó, đã phối hợp với Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh cấp 14 Giấy phép tài nguyên nước.
Lĩnh vực khoáng sản, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản. Rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản và các lĩnh vực khác có liên quan, giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản. Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh.
Đặc biệt, các địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, tổ giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện và chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, môi trường. Kịp thời kiểm tra, xử phạt gần 150 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tăng cường trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thống nhất đầu mối, có sự phối hợp liên ngành, thay đổi phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường. Tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước trên các lưu vực sông quan trọng, các khu vực đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên, môi trường để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.