Giảm mạnh số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng
Năm 2018, để bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, ngay từ đầu mùa khô 2018, tỉnh Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hướng dẫn xây dựng nội quy quy ước, bảo vệ rừng đến từng tổ, bản, cụm dân cư, sản xuất nương rẫy theo đúng mốc giới quy định, thực hiện tốt các biện pháp PCCCR trong mùa khô hanh. Đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối kết hợp với chính quyền cơ sở tổ chức 278 đợt tuyên truyền tại các xã, bản về công tác bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô cho hơn 37.000 lượt người nghe.
Tổ chức ký cam kết bảo vệ 602.291ha rừng hiện còn. Nhờ đó, năm 2018, toàn tỉnh Sơn La xảy ra 2 vụ cháy rừng tại huyện Vân Hồ và Mường La, làm thiệt hại 6,59ha rừng, gồm 4,11ha rừng sản xuất, 2,48ha đất có cây tái sinh trên núi đá.
Cùng với đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Toàn lực lượng đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ 427 vụ vi phạm, giảm 75 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, số vụ vi phạm phá rừng làm nương rẫy là 154 vụ, thiệt hại hơn 18ha rừng; 25 vụ khai thác lâm sản trái phép; 72 vụ cất giữ lâm sản; 151 vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép… Hiện đã ra quyết định xử lý hành chính 382 vụ; khởi tố điều tra 4 vụ án vi phạm.
Tổng số tiền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,8 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách hơn 2,7 tỷ đồng.
Kết quả trồng mới rừng đạt thấp
Song song với công tác tuần tra, bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng cũng được tập trung thực hiện. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm được hơn 4 triệu cây các loại. Kết quả, đã trồng hơn 524.000 cây phân tán các loại.
Tuy nhiên, kết quả trồng rừng tập trung mới đạt 1.899ha, đạt 54,2% so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong đó, diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là hơn 964ha, rừng sản xuất là 934ha. Đến nay, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán vốn đầu tư trồng rừng tập trung của dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Mai Sơn và Thuận Châu vẫn chưa được thẩm định và phê duyệt. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững mới chỉ đạt 27,4% so với tổng vốn giao.
Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Diện tích trồng rừng thấp so với kế hoạch, chủ yếu do diện tích thiết kế trồng rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và nằm ngoài vùng quy hoạch dự án đã được phê duyệt vì vậy phải thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch.
Năm 2019, tỉnh Sơn La quyết tâm quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đồng thời, dự kiến trồng mới 2.600ha rừng; khoanh nuôi tái sinh phục hồi hơn 40.000ha rừng; trồng 1 triệu cây phân tán. Phấn đấu hết năm 2019, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 44,5%.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sơn La sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng tận gốc, không để hình thành các điểm nóng về bảo vệ rừng. Tổ chức khoanh vùng xác định các điểm, khu vực có nguy cơ cháy cao. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm với các chủ rừng được giao đất, giao rừng không sử dụng đúng mục đích lâm nghiệp, phá rừng, lấn chiếm đất rừng sản xuất nương rẫy. Phấn đấu giảm 15% số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại so với năm 2018.
Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế theo quy định. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 16 dự án thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Triển khai các hạng mục thuộc dự án trồng, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã theo quy định.
Rà soát các cơ chế, chính sách hưởng lợi từ rừng trồng, đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng có hiệu quả rừng trồng là rừng sản xuất, gắn với cơ chế và các điều kiện ràng buộc trồng lại rừng sau khia thác, nhằm duy trì sự phát triển ổn định của rừng trồng, nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.