Sóc Trăng ứng phó tốt, giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019-2020

Tuyết Chinh| 05/05/2020 12:30

(TN&MT) - Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó phòng, chống hạn mặn trong mùa khô 2019-2020, tỉnh Sóc Trăng đã giảm thiểu sức tác động và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và mặn xâm nhập mùa khô năm 2019-2020 đã gây thiệt hại hơn 4.000 ha lúa của tỉnh, tập trung ở diện tích nông dân xuống giống không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, 27 ha rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng và giảm năng suất do thiếu nguồn nước ngọt để tưới tiêu.

Tỉnh Sóc Trăng đã giảm được đáng kể sức tác động trong đợt hạn, mặn mùa khô 2019-2020 nhờ hệ thống cống ngăn mặn. Ảnh minh họa

Hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các địa phương vùng ven biển của các huyện như Trần Đề, Long Phú, Vĩnh Châu…

Do đó, tổng số hộ bị thiếu nước sinh hoạt thời điểm cao nhất là trên 26.500 hộ. Nguyên nhân chính do nguồn nước mặt (sông) bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan ở tầng nông của hộ gia đình suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác và sử dụng. Đối với các hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung không bị ảnh hưởng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, để phòng, chống hạn hán và mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng 16 trạm bơm, sửa chữa 45 cống; đồng thời, thực hiện nạo vét 53 kênh trục tạo nguồn và tuyến kênh cấp 2 với 4.100 km, tổng kinh phí 668 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh còn làm tốt việc khuyến cáo lịch thời vụ, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mặn xâm nhập, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp, giải pháp tích trữ nước ngọt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm trong tưới tiêu, giúp diện tích cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng giảm nhiều so với hạn, mặn cách nay 5 năm.

Đối với nước sinh hoạt, Sóc Trăng đã thực hiện xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa, kéo dài tuyến ống cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung hiện có trên 456.000m, cấp cho 16.500 hộ dân nông thôn. Trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm nhất, tỉnh cũng thực hiện giải pháp cấp bách chở nước sinh hoạt cho 71 hộ dân xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề.

Mới đây, theo Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Sóc Trăng 60 tỷ đồng để khắc phục tình trạng hạn mặn, đảm bảo nước sạch cho các hộ dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Với các giải pháp phi công trình, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các địa phương xuống giống theo lịch thời vụ được khuyến cáo sớm hơn 15-20 ngày so với cùng kỳ hàng năm. Liên tục thông tin tình hình, diễn biến của thời tiết trong mùa khô 2019-2020 để người dân chủ động trong ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ nguồn nước trên các con sông, kênh rạch để điều tiết hợp lý các hệ thống công trình cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.

Để chủ động, kịp thời trong ứng phó, hạn chế thấp nhất do mặn xâm nhập trong những năm tiếp theo, tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí 1.400 tỷ đồng để xây dựng 3 trạm bơm bổ sung nước ngọt cho vùng Long Phú-Tiếp Nhật, xây dựng mới Cống Long Phú và 6 cống kết hợp để kiểm soát mặn xâm nhập từ Cửa Trần Đề.

Với những kết quả mà Sóc Trăng đã làm được, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đề nghị, trong thời gian tới, Sóc Trăng cần quan tâm đến hệ thống bơm cưỡng bức mà các tỉnh lân cận đã làm, thu về kết quả tích cực; đồng thời, có sự đánh giá chi tiết về thực trạng của các hộ dân, các địa phương thiếu nước sinh hoạt, cũng như giải pháp cụ thể để có sự hỗ trợ, ứng phó căn cơ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng ứng phó tốt, giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019-2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO