Bến Tre: Phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng hạn mặn
(TN&MT) - Trước tình hình xâm nhập mặn (XNM) ngày càng lấn sâu vào nội đồng với diễn biến phức tạp, Bến Tre đang tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó, đặc biệt là hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, thích ứng với hạn mặn. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre xung quanh nội dung này.

Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre
PV: Từ dự báo của ngành chức năng về tình trạng xâm nhập mặn sớm, Bến Tre đã có những giải pháp nào để phòng chống, ứng phó, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Đảnh: Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do XNM có thể gây ra, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó XNM mùa khô trên địa bàn. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Tỉnh xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, XNM là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung huy động nguồn lực và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2025.
UBND tỉnh Bến Tre đã giao đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình XNM; tăng cường quan trắc độ mặn và kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng, địa phương; khẩn trương sửa chữa, nâng cấp công trình bờ bao, cống ngăn mặn, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nội đồng, đảm bảo điều kiện tốt nhất để phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt.
Công tác vận hành các công trình thủy lợi phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương có phương án vận hành linh hoạt, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo tiêu thoát nước phù hợp; đánh giá hiện trạng hồ chứa, nhu cầu sử dụng nước của từng khu vực; rà soát, cập nhật quy trình vận hành, phương án bảo vệ hồ chứa để vận hành phù hợp đảm bảo phát huy hiệu quả một cách tối đa.
Riêng ngành Nông nghiệp tỉnh bám sát tình hình, kịp thời thông tin về diễn biến tình hình XNMn đến các cấp, ngành và người dân địa phương dễ dàng tiếp nhận và chia sẻ thông tin rộng rãi; khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác, sản xuất phù hợp, đặc biệt là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây giống, hoa kiểng...
PV: Được biết, Bến Tre đã và đang tập trung xây dựng các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đoàn Văn Đảnh: Bến Tre nằm cuối nguồn sông Mê Kông và là tỉnh ven biển với hệ thống rạch chằng chịt nên thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và tình trạng XNM gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước tình hình đó, Bến Tre đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án, công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Điển hình nhất là sau đợt hạn mặn khốc liệt trong mùa khô đầu năm 2016, Bến Tre đầu tư xây dựng khẩn cấp hồ Kênh Lấp tại huyện Ba Tri với sức chứa gần 01 triệu m3 nước. Phát huy hiệu quả từ đây, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng dự án hồ Lạc Địa tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 151ha, trong đó hồ chứa nước ngọt diện tích gần 100ha, dung tích khoảng 2,3 triệu m3. Dự kiến trong năm nay công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, một số công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả như: cống Tân Phú, cống Bến Rớ kiểm soát nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào khu vực thượng nguồn sông Ba Lai; Hệ thống thuỷ lợi cống Trung Nhuận, Xẻo Rắn kết hợp với các kênh nội đồng lấy nước từ sông Ba Lai giúp kiểm soát nguồn nước từ phía Ba Lai; Công trình cống Sa Kê, cống Giồng Keo, cống Bưng Cát kết hợp với trục dẫn ngọt Cái Hàng tạo thành khu vực trữ nước Cái Hàng - Sa Kê góp phần ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các xã thuộc phía Tây của huyện Mỏ Cày Bắc, thị trấn Mỏ Cày Nam và một số xã lân cận.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đã và đang xây dựng nhiều công trình cống, đập điều tiết mặn - ngọt quy mô lớn trên cả 2 Tiểu vùng Nam - Bắc Bến Tre, từng bước khép kín hệ thống sông rạch trên địa bàn. Địa phương cũng kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ đầu tư khoảng 230km đê bao, bờ bao và 29 công trình cống nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hướng đến phục vụ đa mục tiêu, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo cấp đủ nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

PV: Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Bến Tre đề ra giải pháp gì nhằm chủ động thích ứng với BĐKH, đồng thời hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững?
Ông Đoàn Văn Đảnh: Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển nông nghiệp, đồng thời tăng cường hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn. Mục tiêu chính là hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có năng suất, chất lượng; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, Bến Tre tập trung thực hiện các biện pháp nhằm chủ động thích ứng với BĐKH, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững. Trong đó, ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ; đồng thời ưu tiên chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Tỉnh từng bước nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, BĐKH, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kế tiếp, sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung với các loại sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Song song đó, Bến Tre cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thuận thiên; tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, trọng tâm là sản xuất tập trung, xanh, an toàn, thích ứng BĐKH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!