Mọi cá nhân đều có quyền được để lại và hưởng thừa kế QSD đất trong gia đình; cả vợ và chồng đều có tên trong giấy chứng nhận QSD đất khi là tài sản chung của cả vợ và chồng; vợ và chồng đều có quyền quyết định như nhau khi tham gia các giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSD đất; khi ly hôn vợ và chồng đều được phân chia QSD đất khi là tài sản chung. Mặc dù đã có những quy định pháp luật như trên, nhưng trong thực tế phụ nữ vẫn đang bị hạn chế trong việc hưởng lợi từ các quy định này.
Bắt đầu từ Luật đất đai năm 2003 đã quy định tên của vợ và chồng được ghi trong GCNQSD đất khi là tài sản chung của cả vợ và chồng, nhưng rất nhiều GCNQSD đất được cấp trước thời điểm này được thực hiện với đối tượng là hộ gia đình và ghi tên đại diện trên GCN là chủ hộ, trong khi thực tế chủ hộ thường là người chồng. Tình trạng tại một số địa phương, một số trường hợp chỉ người chồng đứng tên trên GCN thực hiện quyền của người sử dụng đất làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ. Người phụ nữ không được tham gia quyết định, định đoạt đối với QSD đất ghi nhận trên GCN. Điều này còn dẫn đến tranh chấp giữa những người thân trong gia đình bên chồng vì GCNQSD đất không có tên của người vợ.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên &Môi trường công bố ngày 20/5/2020 cho đến nay tổng số GCN đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu GCN (hộ gia đình là 15,07 triệu, cá nhân là 5,01 triệu, cả vợ và chồng là 4,6 triệu), trong đó có 15,68 triệu GCN có tên người phụ nữ. GCN đã cấp cho hộ gia đình có chung QSD đất hoặc GCN đã cấp cho tài sản chung là của vợ và và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu.
Để tạo sự công bằng và khắc phục những tồn tại trên, Luật đất đai năm 2013 quy định cũng đối với trường hợp QSD đất là tài sản chung của vợ và chồng mà GCN đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng thì được cấp đổi sang GCN ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Tuy nhiên nhiều phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn miền núi chưa nhận thức đầy đủ về quyền và lợi ích khi mình được đứng tên trên GCNQSD đất, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa – xã hội.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) mang tên cả vợ và chồng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc này nhằm bảo đảm các quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu kiện, khiếu nại khi giải quyết các tranh chấp về đất đai từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan một số nội dung sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản chung của vợ và chồng, trong đó có quyền sử dụng đất, sử dụng tài sản gắn liền với đất giúp người dân hiểu được tầm quan trong và nâng cao tính tự tin, thúc đẩy sáng tạo để nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ tạo bình đẳng trong xã hội.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi "họ, tên của vợ hoặc chồng," để ghi "cả họ, tên vợ và họ, tên chồng" khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Để khẳng định chủ trương, chính sách này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục đề xuất vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng; thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.
Góp ý về nội dung này, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, sau nhiều cuộc lấy ý kiến người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số ý kiến của chuyên gia văn khoăn với quy định vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ.
Theo các chuyên gia, luật sư, người dân, việc này đã thể hiện sự bình đẳng giới và hợp lý. Song, việc trên sổ đỏ hiện chỉ đứng tên vợ hoặc chồng, bây giờ lại yêu cầu người dân đi chuyển sang tên cả vợ và chồng là không cần thiết, vì sẽ làm người dân mất nhiều thời gian, chi phí hơn khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó, theo quy định, tài sản trong hôn nhân dù đứng tên một người vẫn là tài sản chung, khi vợ chồng ly hôn hay làm các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp đều phải có sự đồng ý của cả 2 người.
“Không nhất thiết phải yêu cầu người dân chuyển đổi từ sổ đỏ của một người sang đứng tên hai người để gây mất thời gian, chi phí cho người dân. Việc thực hiện chuyển đổi sang hai người đứng tên cần áp dụng linh hoạt theo nhu cầu của người dân”, bà Phan Kiều Thanh Hương cho biết thêm.