Lán trại dựng lên cách chỗ khai thác vàng khoảng 200m, đây là khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu. |
Con đường độc đạo tới bãi vàng ông Hưởng
Ngay đầu nguồn con suối bản Phiêng Chạng, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ là bãi vàng được người ta nhắc đến với cái tên “bãi vàng ông Hưởng”. Theo người dân nơi đây, đây là bãi vàng có nhiều vàng nhất tại xã Noong Hẻo của ông chủ vàng tên Hưởng (người Thái Nguyên) nên mới có cái tên như thế. Có ngày, họ kiếm cả mấy cây vàng, nên người dân nghe tin cũng đổ dồn đi lên mỏ để mót vàng.
Hoạt động khai thác vàng tại đây đã có cách đây hơn chục năm, các chủ vàng thuê người làm là người dân bản địa và cả người dân vãng lai. Các phu vàng cày xới cả một vùng, khiến môi trường bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên quý hiếm bị thất thoát và làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Con đường độc đạo lên bãi vàng ông Hưởng với nhiều cung đường dựng đứng, trơn trượt... |
Trước tình hình đó, năm 2012, tỉnh Lai Châu đã cho đánh sập hầm lò tại điểm khai thác vàng này nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép. Hoạt động khai thác vàng tại bãi vàng ông Hưởng từ đó cũng lắng xuống. Thế nhưng, vào cuối năm 2020, một số đối tượng, chủ yếu là người dân địa phương lại tiếp tục đến khai phá, khơi thông cửa hang, đào bới để mót vàng.
Chúng tôi theo đoàn công tác của xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ để mục sở thị tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi vàng ông Hưởng. Xuất phát từ 8h sáng tại UBND xã Noong Hẻo, để đến được vị trí khai thác vàng này, chúng tôi phải đi qua một số bản trước khi men theo con đường mòn giữa bản Phiêng Chại.
Theo anh Lò Văn Ương, địa chính xã Noong Hẻo thì đây được coi con đường độc đạo đến điểm khai thác vàng trái phép có nhiều vàng sa khoáng nhất tại xã Noong Hẻo. Điều đó dẫn đến việc mỗi khi có đoàn công tác đi kiểm tra thì đến nơi, những người khai thác vàng đã được “báo động” rút lui vào rừng ẩn náu.
|
Trong lán, bếp lửa dù đã tắt nhưng vẫn đang còn khói bốc lên. Cách lán trại khoảng 20m, trong một hang đá nhỏ phía trên đường đi, chúng tôi phát hiện toàn bộ đồ dùng thiết yếu, chăn gối và thực phẩm được gói gọn, cất giấu dưới lớp vải bạt. Điều đó là cho thấy hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra, những phu vàng vẫn còn đâu đó trong rừng và theo dõi nhất cử, nhất động của chúng tôi.
Dưới cái nắng gắt gao của vùng Sìn Hồ thấp, phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng, vượt núi, với nhiều đoạn dốc dựng đứng và trơn trượt, gồ ghề sỏi đá chúng tôi mới đến được điểm khai thác vàng này. Tại đây, chúng tôi nhìn thấy một lán trại được che bằng bạt rộng khoảng 70m2 khá chắc chắn, chỗ ngủ được dải bằng ván gỗ. Lán trại không có ai mà chỉ thấy một số đồ dùng, xong, nồi và vài bộ quần áo…
Để lên được chỗ khai thác vàng phải leo qua cầu thang bằng gỗ rất nguy hiểm. |
Đi thêm khoảng 100m, là bãi sơ chế vàng, toàn bộ dụng cụ, máy móc sơ chế đều đã được tháo dỡ, cất giấu. Tuy nhiên, đống vàng sa khoáng (theo người dân nhận định) mới được chuyển ra vẫn còn đó. Để đi đến hang nơi những phu vàng khai thác, chúng tôi phải leo thêm 2 cái thang dựng đứng gắn trên vách núi vô cùng nguy hiểm. Không cẩn thận chỉ sơ xẩy thôi là người rơi xuống vực sâu hun hút…
Mới đến cửa hang, một mùi khét lẹt bốc ra vô cùng khó chịu, khiến việc đi vào hang thêm phần khó khăn. Theo người dân nơi đây thì đó là mùi mà các đối tượng “vàng tặc” đốt mỗi khi họ ra khỏi hang để người ngoài không vào được bên trong. Hơn thế, họ còn tháo dỡ hết các đường dây diện, máy phát để lối hang vàng sâu hàng chục đến hàng trăm mét tối om, nguy hiểm, để ngăn không cho người lạ bước vào hang.
Tại khu vực chế biến vàng, máy móc đã được tháo dỡ, cất giấu. |
Đi sâu vào trong hang được khoảng 30 mét, chúng tôi phát hiện các bao tải chứa đất đá (nghi là vàng sa khoáng) đang được cất giấu trong hang. Tiếp tục tiến sâu vào chúng tôi phát hiện giếng nước và một số công cụ hỗ trợ đào vàng. Nhìn giếng nước sâu và 2 bên hầm là các cột chống bằng gỗ khiến chúng tôi không khỏi rợn người vì mức độ nguy hiểm trong quá trình khai thác vàng tại đây. Đất đá có thể lở vùi thây phu vàng bất cứ lúc nào.
Các bao tải chứa đất đá (nghi là vàng sa khoáng) đang được cất giấu trong hang |
Theo anh Lò Văn Phắt, Trưởng Công an xã Noong Hẻo, nếu như không có con đường độc đạo đi qua bản Phiêng Chại cũng như không có sự tiếp tay của người dân khác thì các đối tượng khai thác vàng tặc không thể thu giấu đồ đạc kỹ lưỡng đến như thế trước khi đoàn kiểm tra đến bãi khai thác vàng. Điều này cho thấy các đối tượng khai thác vàng tặc đã tính toán, lên phương án rất kỹ và mạng lưới chân rết khá dầy.
Cuối chiều, sau khi phá dỡ lán trại của các đối tượng vàng tặc, chúng tôi rời khỏi bãi vàng để về nhà. Không ai nói nhưng chắc hẳn mọi người đều cùng chung một suy nghĩ là sau khi chúng tôi rời khỏi đây, các phu vàng sẽ tiếp tục dựng lại lán trại và công việc khai thác, chế biến vàng.
Hiển hiện mối hiểm nguy và nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo lời kể, vào những năm 2009, 2010, khi "vàng tặc" hoành hành, dòng suối đầu nguồn như một đại công trường. Khai thác vàng đã làm dòng suối ở đây bị biến dạng, “vàng tặc” đào sâu xuống lòng suối để bới vàng khiến dòng nước đục ngầu, đỏ bùn đất. Điều đó khiến người dân chật vật tìm kiếm nước sạch dùng trong sinh hoạt và sản xuất.
Khu vực khai thác ngay đầu nguồn khiến nước suối bị ô nhiễm. |
Một người dân bản Phiêng Chại cho chúng tôi biết: Từ khi có khai thác vàng, dòng nước bẩn đục, kéo theo bùn đất đỏ chảy tràn đầy ruộng, cây lúa kém phát triển, cho năng suất và sản lượng thấp, do đó nhiều hộ dân trong bản đã bỏ hoang ruộng. Người dân cũng chẳng dám đem nước vào ao nuôi cá, vì sợ cá chết… Cả xã Noong Hẻo có 10 bản nhưng đã có 5 bản trực tiếp sử dụng nguồn nước từ con suối này bị ảnh hưởng.
Điều đáng nói là hoạt động khai thác vàng trái phép với công cụ chế biến thô sơ, hóa chất để “bắt vàng” hay cô vàng và trong quá trình sản xuất, các loại chất thải như dầu, mỡ từ các phương tiện máy móc thải ra môi trường đều đổ dồn về suối làm cho dòng suối càng trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của hàng trăm hộ dân sử dụng nước nơi cuối nguồn con suối, trước khi đổ vào lòng hồ.
Nước suối bị ô nhiễm, đục ngầu. |
Kể từ năm 2012, sau khi hang vàng bị đánh sập, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã giảm dần, người dân yên tâm hơn trong lao động sản xuất và sử dụng nước để sinh hoạt. Thế nhưng, việc tái diễn hoạt động khai thác vàng trái phép tại đầu nguồn con suối lại đem đến mối đe doa mới cho người dân nơi đây.
Trên đường đi lên đến bãi vàng ông Hưởng, chúng tôi đi qua một khe suối nhỏ, dòng nước tuy ít nhưng đục ngầu, nổi váng đen. Theo anh H (người dẫn đường) thì chắc hiện tại họ đã dừng chế biến mới nhìn thấy nước suối chảy. Chứ hôm nào lên mà họ đang làm thì khe suối này đặc quánh, cảm tưởng như nước không chảy nổi…
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ khai thác vàng trái phép hiện hữu. |
Ông Quàng Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo, cho biết: Hiện tại người dân mới chỉ đi mót vàng nên tình trạng ô nhiễm môi trường còn ít, chưa nhận thấy rõ rệt. Nếu xã mà không quyết liệt để tình trạng khai thác vàng diễn ra rầm rộ và kéo dài như trước đây thì việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước là điều đương nhiên.
Cùng với đó, việc khai thác vàng trái phép tại khu vực này còn khiến nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích rừng phong hộ rất xung yếu của xã Noong Hẻo bởi các đối tượng vàng tặc sử dựng cây rừng làm lán trại, củi đốt và phương tiện trong quá trình khai thác, chế biến vàng.
Khó quản lý vì đâu?
Theo ông Quàng Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo thì: Trên địa bàn xã vẫn còn ít nhất 4 điểm là bãi vàng, người dân tập trung khai thác vàng trái phép, gồm: bãi 7, bãi 8, bãi 6,5 và bãi ông Hưởng. Vào lúc nông nhàn, người dân trên địa bàn xã và cả người dân vãng lai thường đến mót vàng tại các hang và khu vực khai thác trước đây đã bị cấm. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng không xuể, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra.
Nơi cất giấu đồ đạc và thực phẩm của các đối tượng "vàng tặc". |
Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, song thực tế, lực lượng tham gia trực tiếp mỏng và chế tài xử phạt cũng chưa nghiêm, cá biệt có nhiều trường hợp chưa có chế tài để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương tham gia đào bới, đãi vàng cũng làm phát sinh nhiều khó khăn trong việc giải quyết, xử lý nên không đủ sức răn đe... làm cho tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở Noong Hẻo vẫn diễn ra phức tạp.
Theo báo cáo của UBND xã Noong Hẻo, ngày 15/3, tại bãi vàng ông Hưởng, tổ công tác tuần tra, kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản đối với 3 công dân người địa bàn xã Noong Hẻo thực hiện hành vi đào mót vàng trái phép. UBND xã Noong Hẻo đã chỉ đạo Công an xã triệu tập 3 đối tượng này để viết cam kết không thực hiện hành vi khai thác vàng trai phép và nếu tiếp tục tái diễn thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
|
Cùng với đó, có một số đối tượng đưa máy nổ, mô tơ điện và đầu nghiền vào trong hầm sâu để khai thác vàng trực tiếp, thực hiện việc đào mót và xát nghiền trong hầm. Do hầm sâu, địa hình trong trong hang phức tạp, khi tổ công tác đến kiểm tra thì các đối tượng đã chủ động chạy vào trong hang, giấu máy móc và rút hết dây, bóng điện, nên tổ công tác không có công cụ hỗ trợ để tiếp cận hiện trường và các đối tượng.
Anh Lò Văn Phắt, Trưởng Công an xã Noong Hẻo cho biết: Từ thời điểm 15/3, tổ công tác đã 6 lần liên tiếp lên kiểm tra. Chúng tôi cứ nghe tin thì cử anh em lên, nhưng lên lại không thấy người, chỉ vất vả không. Trong khi mỗi lần lên phải hết nguyên một ngày đường. Cũng mong có sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, của huyện để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng tại điểm này.
Tờ giấy ghi những vật dụng và thực phẩm được người dân gánh lên "tiếp tế" cho các đối tượng vàng tặc. |
Manh động và cảnh giác - đó là những gì mà đoàn công tác xã Noong Hẻo nói về các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã trong buổi kiểm tra tại bãi vàng ông Hưởng. "Ý thức" cảnh giác của các đối tượng khai thác đã cao hơn nên ở đa số các điểm khai thác vàng trái phép khi có người lạ đến, ngay lập tức được đánh động và… từ máy móc đến con người đều ngừng hoạt động. Cùng với đó là giao thông đi lại khó khăn, vị trí khai thác vàng nằm ngay trong khu rừng, khó phát hiện các đối tượng khi lẩn trốn. Đó cũng là lý do công tác quản lý khai thác vàng trên địa bàn xã Noong Hẻo gặp nhiều khó khăn.
Anh Phắt cho biết thêm: Tuần trước chúng tôi lên kiểm tra, đang đứng tại khu vực hầm thì các đối tượng vàng tặc ở phía bên đối diện lăn đá từ trên xuống ầm ầm. Không biết vì mục đích gì nhưng khả năng là họ đe dọa đoàn công tác…
Hình ảnh phá dỡ 13 lán trại tại khu vực khai thác bãi 7, bãi 8 (giáp ranh xã Khun Há, huyện Tam Đường) ngày 26/12/2020. Ảnh người dân cung cấp. |
Đó là những gì đang diễn ra tại bãi vàng ông Hưởng, còn tại các bãi 7, bãi 8 và bãi 6,5 (giáp ranh với xã Khun Há, huyện Tam Đường) mặc dù tác động đến môi trường ít hơn nhưng hoạt động khai thác vàng tại đây vẫn diễn ra phức tạp. Theo lời kể của anh Nông Đức Thắng, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sìn Hồ thì đêm 26 và ngày 27/12/2020, anh cùng đoàn công tác của xã Noong Hẻo đã lên phá được 13 lán trại của các hộ dân khai thác vàng trái phép.
Anh Thắng tâm sự: “Người dân thì đông trong khi lực lượng đi kiểm tra thì quá mỏng, nếu có sự việc xô xát thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…?”
Đoàn kiểm tra tháo dỡ lán trại tại bãi vàng ông Hưởng. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Thời gian qua, huyện đã có văn bản chỉ đạo xã Noong Hẻo thường xuyên kiểm tra, phát hiện tổ chức ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép. Thời gian tới, về phía huyện cũng sẽ phối hợp với xã để tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành có giải pháp hỗ trợ, để huyện xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện.
Thực tế hoạt động khai thác vàng trái phép không những làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà tại các điểm khai thác hầm lò còn chứa đựng những tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia khai thác vàng trái phép. Họ không hề có thiết bị bảo hộ lao động, vì thiếu nhận thức nên họ để mặc cho tính mạng của mình mong manh trong giấc mơ về vàng...
Thiết nghĩ, tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo và hỗ trợ huyện Sìn Hồ và xã Noong Hẻo để tìm ra giải pháp và biện pháp cứng rắn hơn nữa để xử lý nghiêm tình trạng khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, tính mạng của người dân tham gia mót vàng và con suối chứa nước thải sẽ là mối hiểm họa tiềm tàng cho hàng nghìn người dân sử dụng nước sinh hoạt từ dòng suối ở phía hạ du.