Cơ hội xây dựng thương hiệu xanh
Trước những nhu cầu "sạch và xanh", một loạt vấn đề nan giải đang được đặt ra đối với các doanh nghiệp trong nước như sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại, lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải… Đây là vấn đề cấp thiết trước nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều các ổ bệnh tiềm tàng trong môi trường sống, trong đó có đại dịch Covid-19 mà nhân loại đang phải đối mặt.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Đơn cử, để sản xuất được một đơn vị sản phẩm giấy phải sử dụng mức trên 500m3/tấn giấy, gấp 5 lần so với chỉ tiêu trên thế giới (xấp xỉ 100m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cũng cao gấp 3,4 lần. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao phổ biến trong các ngành công nghiệp: Ngành giấy tiêu hao 1.200kwh và 1.500kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000kwh/tấn thép thỏi và 25kwh/tấn gang tinh luyện.
Nhìn lại những sự cố môi trường đáng tiếc xảy ra thời gian qua và ngay tại thời điểm dịch bệnh hoành hành, đây là thời điểm thuận lợi cho một cuộc vận động và ủng hộ những thương hiệu sạch và xanh. Người tiêu dùng kỳ vọng ở việc thực hiện nghiêm ngặt những chính sách kiểm soát và thưởng phạt nghiêm minh nơi các cơ quan quản lý nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Có như vậy, người tiêu dùng mới sẵn lòng ủng hộ những chương trình “sạch”, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Đầu tư cho sản xuất sạch có thể được xem là “khoản" tốn kém trước mắt đối với một số thương hiệu có định hướng lâu dài. Thế nhưng, thương hiệu nào cam kết đầu tư một cách chuyên nghiệp sẽ có cơ hội lớn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tín nhiệm từ người tiêu dùng. Điều này không có nghĩa là chạy theo phong trào, phô trương, quảng bá mà nên thực hiện cam kết bằng chính cái tâm và trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Tiêu dùng xanh để bảo vệ Trái đất |
Hướng tới tiêu dùng thông minh
Trước bối cảnh dịch Covid-19, người dân và nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm trực tiếp bằng các kênh tiêu dùng xanh và ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng. Đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý hơn. Mặt hàng được lựa chọn hàng đầu là thực phẩm và sản phẩm y tế - 2 yếu tố quan trọng bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống.
Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, lối sống và quản lý tài chính của người Việt đã có thay đổi theo hướng tăng ý thức phòng ngừa những rủi ro trong tương lai. Nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi và hướng đến lối sống bền ổn, có lợi cho sức khỏe nên họ sẵn sàng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, nhanh và an toàn. Có đến 57% người tiêu dùng cho rằng, sẽ ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường và xã hội; 23% người tiêu dùng ưu tiên mua các loại thức ăn từ hạt; 20% người tiêu dùng còn lại sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe và môi trường.
Còn theo kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng ở Hà Nội và TP.HCM khá tương đồng. Với Đà Nẵng, người dân ưu tiên chi mua thực phẩm (chế biến sẵn và tươi sống) nhiều hơn. Còn người dân Cần Thơ tiêu tốn nhiều cho sản phẩm nhà ở và tiện ích.
Việc người dân tập trung vào nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí tiêu dùng cho danh mục sản phẩm dịch vụ khác; trong đó có nhiều sản phẩm tiện ích cho cuộc sống, trừ hai nhóm dịch vụ Internet và đồ vệ sinh gia dụng. Điển hình, sức mua sản phẩm điện tử dân dụng giảm từ 10% xuống 0,2%; dịch vụ giải trí và du lịch từ 4% xuống 0,4%... Danh mục sản phẩm như: nghỉ ngơi giải trí, ăn tiệm, karaoke và quán bar... bị cắt giảm hầu hết, một phần do tình trạng đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
Có thể nói, để thay đổi thói quen sản xuất xanh, tiêu dùng xanh sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng thay đổi trong tư duy của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời bối cảnh hiện nay.
Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ TN&MT; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai…