Phát triển Xanh

E-Magazine: Chuyển mình cùng xu hướng "tiêu dùng xanh"

Hoài Thu 06/09/2024 18:10

(TN&MT) - Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng phát triển bền vững. Người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh cùng đang chuyển mình quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation.png

Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng phát triển bền vững. Người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh cùng đang chuyển mình quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-1-.png
green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-2-(1).png
img_1218.jpg

Đi theo lối tiêu dùng “xanh hoá”, tiệm tạp hoá nhỏ “Sạp Chàng Sen” ở Đống Đa (Hà Nội) đang hướng đến việc định hình lối tiêu dùng sản phẩm theo phương châm bền vững. Cửa tiệm “Sạp Chàng Sen” đã xây dựng mô hình “xanh hoá” sản phẩm ngay khi bắt đầu đưa tiệm vào hoạt động từ năm 2016.

Sản phẩm của Sạp đảm bảo các tiêu chí: Ưu tiên sản phẩm bản địa thuần Việt, sản phẩm nhập khẩu hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên và có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Các sản phẩm bao gồm: Kem ca cao được làm từ hạt cacao rang từ Lâm Đồng, gạo nếp Thái Bình và đường mía Nghệ An; Phô mai thuần chay được lên men và xông khói từ hạt đậu nành vỏ xanh giống thuần chủng, canh tác và thu hoạch bởi đồng bào dân tộc trên vùng núi của Hà Giang; sản phẩm gốm Tu Hú từ làng nghề gốm thủ công ở Sông Bé và các tỉnh thành miền Nam Việt Nam; sản phẩm nông sản thô Ông Thắng từ Ninh Thuận… Hay các loại nước tẩy rửa, lau sàn, nước giặt không có hoá chất, không gây nguy hại đến môi trường,…

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-3-.png

Bên cạnh những sản phẩm nhập về, đảm bảo tính hữu cơ và tính “xanh - sạch”, Sạp còn tự sản xuất các sản phẩm tái chế từ giấy, bìa carton, giấy craff và từ những vụn vải dư thừa,… tạo nên các cuốn sổ; hay khuyên tai hoặc nhẫn, vòng,… đều được tái chế từ các miếng nhựa dẻo, vỏ lon nước uống, hay những vật dụng là chất thải vô cơ, tất cả mang một phong cách “tái sử dụng”, thông qua việc cửa hàng nhận thu thập đồ dùng cũ, phế liệu,… từ các khách hàng mang đến hay từ một số cơ sở sản xuất.

img_1174.jpg
Những chiếc túi đựng hàng tại Sạp áp dụng chương trình tích điểm, giúp thúc đẩy thói quen tiêu dùng "xanh" của nhiều khách hàng

Đặc biệt, Sạp luôn chú trọng sự minh bạch, rõ ràng của nguồn gốc các hàng hoá. Ngoài việc kiểm tra kỹ lưỡng các nguyên liệu, thành phẩm, Sạp còn theo dõi từ khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đến quy trình, kỹ thuật sản xuất mặt hàng của các doanh nghiệp địa phương thực hiện, tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cao.

Trao đổi về xu hướng tiêu dùng xanh tại Sạp, bà Trần Thùy Dung – Quản lý cửa tiệm Sạp Chàng Sen cho biết, để khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường, sử dụng túi đựng đồ được làm bằng chất liệu giấy đã tái chế, tái sử dụng, Sạp có in chương trình tích điểm ở góc phải của túi, với 5 lần sử dụng túi đựng đồ mua hàng ở Sạp, người mua sẽ được giảm 5% và tới lần thứ 10 thì sẽ được giảm 10%.

Đây là một nỗ lực nhỏ của Sạp trong việc kéo dài tuổi đời của chiếc túi giấy, có thể tái sử dụng nhiều lần. Qua đó, các đồ dùng khác tại Sạp Chàng Sen luôn phù hợp và hướng đến nhu cầu tiêu dùng “xanh” của khách hàng, cũng như giảm thải được phần bao bì, góp phần bảo vệ môi trường sống ngày một trong sạch.

img_1195.jpg
Không gian tiệm tạp hoá Sạp Chàng Sen
img_1182.jpg

Từ những điều nhỏ bé trên, Sạp Chàng Sen đã có một lượng khách hàng yêu mến, tin tưởng và ủng hộ trung thành cả trong và ngoài nước quan tâm đến những sản phẩm an toàn với môi trường, góp phần xây dựng một hệ sinh thái trong lành, nâng cao sức khoẻ và đảm bảo đời sống chất lượng từng ngày với mỗi chúng ta".

Bà Trần Thùy Dung – Quản lý cửa tiệm Sạp Chàng Sen

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-4-.png
img_1218.jpg

Không chỉ từ những tiệm tạp hoá, cửa hàng nhỏ lẻ, hiện nay, lối sống “xanh” kéo theo sự phát triển, nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị, tiện ích,… Điển hình, có thể kể đến hệ thống siêu thị Mega Market (MM) Việt Nam, đã phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo xu hướng “xanh”, đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường.

231570372926414478906583731461599808033697o.jpeg
Chuỗi siêu thị MM Mega Market luôn hướng tới việc sản xuất - tiêu dùng xanh

Nắm được nhu cầu thiết yếu hiện nay về tiêu dùng xanh, MM Việt Nam hướng đến đưa vào hệ thống các sản phẩm và dịch vụ bền vững, giảm tác hại đến môi trường, tốt cho sức khoẻ, thông qua việc phối hợp với các đơn vị, thương hiệu có cam kết thực hiện sản xuất các sản phẩm “xanh” và đưa ra thị trường.

Đặc biệt, MM Việt Nam bán hàng theo tiêu chí bảo vệ môi trường, trong việc không sử dụng túi nilon và hệ thống nông trại rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGap & HACCP trong kiểm soát các nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiệu quả trong việc áp dụng mô hình tiêu dùng xanh tại MM Việt Nam thể hiện qua việc, nhiều khách hàng ý thức được tác hại khi túi nilon bị thải ra môi trường, nên đã chủ động từ chối lấy túi môi trường khi mua hàng hoặc tự mang túi đi để đựng các sản phẩm, hàng hoá. Hoặc, người dân đi mua hàng tại đây sẽ sử dụng hộp làm bằng bã mía thay bằng hộp xốp, lựa chọn các sản phẩm rau củ hữu cơ, thịt sạch,…

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-1-(1).png
green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-2-.png
img_1218.jpg

Ở Việt Nam, “tiêu dùng xanh” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và được coi là một giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường, cũng như đối với sức khoẻ cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Sau cam kết hướng tới Phát thải ròng bằng “0” năm 2050 trong Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Nhà nước đã đưa ra những thay đổi về Luật, trong đó có Quy định về Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) hướng tới việc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về bao bì hay sản phẩm có thể tạo ra tác động xấu về môi trường, được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP hay Quy định Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone hướng tới việc, doanh nghiệp phải báo cáo Kiểm kê khí nhà kính và lộ trình giảm phát từ năm 2026 trở đi Trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP,…

vov-tieu-dung-xanh-1-hykn.jpeg
Một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ TN&MT)

Để triển khai và thực thi những chính sách, quy định trên, các Bộ, ban, ngành đã và đang thực hiện một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như nhiều văn bản được ký kết: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hay các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ TN&MT); Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương),…

Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước cũng nắm bắt xu hướng chung và vận dụng các định hướng, chính sách của Nhà nước, làm động lực thay đổi về lâu dài hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình “xanh” đến với người tiêu dùng và nỗ lực đầu tư sản xuất, cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh”, “sạch”, xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, gắn với phát triển bền vững.

Có thể thấy, tại Việt Nam, việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần cũng như thúc đẩy sản xuất xanh và làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Điều này đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế và những giá trị thặng dư cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, tạo dựng hành tinh xanh.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-6-.png
img_1218.jpg

PV: Trong vài năm trở lại đây, nhất là khi Việt Nam thực hiện cam kết Net Zero, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng trở nên phổ biến. Theo ông, nguyên nhân do đâu mà xu thế này phát triển lên?

TS. Lê Hữu Thi: Xu hướng tiêu dùng xanh đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi đất nước thực hiện cam kết Net Zero. Điều này xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, liên quan đến áp lực từ bên ngoài lẫn sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng trong nước.

ong-thi.jpg
Chuyên gia Kinh tế - TS. Lê Hữu Thi, Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trước hàng rào thương mại toàn cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn với các tiêu chuẩn về môi trường, các quốc gia nhập khẩu lớn như Châu Âu (EU), Mỹ, và Nhật Bản, đã áp dụng các chính sách bảo vệ môi trường khắt khe. Để tiếp cận và duy trì thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn này. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải cải tiến công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải và lãng phí trong quy trình sản xuất.

Bên cạnh áp lực từ các yêu cầu thị trường quốc tế, xu hướng sống xanh và tiêu dùng bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến. Thêm vào đó, phong trào sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm đã lan tỏa rộng rãi nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình truyền thông và các chiến dịch cộng đồng. Nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và thay đổi chiến lược kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này.

Ngoài ra, chính sách và sự khuyến khích từ phía Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, các chương trình tuyên truyền và giáo dục về bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy tiêu dùng xanh trong xã hội.

PV: Sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng xanh là một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy cả sản xuất. Nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải chuyển đổi hướng sản xuất theo hình thức thân thiện với môi trường. Tuy nhiên thách thức nằm ở chỗ, “hàng hóa xanh” còn mới và thị phần chưa lớn. Vậy doanh nghiệp cần những gì để giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, thưa ông?

TS. Lê Hữu Thi: Sự chuyển đổi sang xu hướng tiêu dùng xanh đang trở thành một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy cả lĩnh vực sản xuất và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh vẫn còn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh “hàng hóa xanh” còn khá mới mẻ và thị phần chưa đủ lớn để tạo ra lợi nhuận ngay lập tức.

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation-9-.png

Để giải quyết mâu thuẫn này, doanh nghiệp cần thực hiện một số chiến lược đồng bộ và lâu dài, trong đó, cần chú trọng đến việc đầu tư vào công nghệ xanh và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, đây được coi là điều kiện tiên quyết giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối ưu hóa chi phí vận hành trong dài hạn và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ giúp tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm, tìm kiếm những phương thức sản xuất các sản phẩm xanh, đảm bảo sản phẩm tiếp cận được nhiều phân khúc thị trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp rất cần tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, như các ưu đãi thuế cho sản xuất xanh, các chương trình tài trợ hoặc vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư vào công nghệ sạch. Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan quốc tế hay tham gia vào các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu cũng là một cách để chia sẻ rủi ro và tiếp cận được các nguồn tài nguyên cần thiết.

cp-may-17180108992681033475366.jpeg
Cần nhiều giải pháp hướng đến chuyển đổi xanh cho Doanh nghiệp

Qua đó, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững trong việc tái chế, giảm thiểu rác thải và tối ưu hoá nguồn lực.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ việc chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn sang việc tạo ra giá trị bền vững dài hạn. Điều này bao gồm việc xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội, từ đó thu hút sự ủng hộ lâu dài từ khách hàng và nhà đầu tư. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đầu tư chiến lược, sự sáng tạo và tầm nhìn dài hạn từ phía doanh nghiệp.

PV: Hiện nay xu thế tiêu dùng xanh như một “hot trend”, đặc biệt được phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc có thể hành vi tiêu dùng xanh chưa chắc đã xanh. Vậy cần hướng việc truyền thông về tiêu dùng xanh như thế nào để có tính bền vững, lâu dài, thưa ông?

TS. Lê Hữu Thi: Xu thế tiêu dùng xanh hiện đang là một “hot trend,” đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Tuy nhiên, việc tiêu dùng xanh thực sự có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức mà các sản phẩm và hành vi tiêu dùng được thực hiện. Một ví dụ điển hình là túi nilon tự hủy, dù được quảng cáo là thân thiện với môi trường, nhưng thực tế vẫn có thể chứa các thành phần nhựa tạo ra hạt vi nhựa khi phân rã, gây hại cho môi trường về lâu dài.

Do đó, để hướng việc truyền thông về tiêu dùng xanh có tính bền vững và lâu dài, cần thực hiện một số biện pháp chiến lược như: Truyền thông, quảng bá cung cấp thông tin về các sản phẩm “xanh”, bổ cập kiến thức về tác động thực sự của các sản phẩm này lên môi trường. Điều này giúp người dân nhận thức và đánh giá toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khâu sản xuất, sử dụng, cho đến tái chế hoặc thải bỏ; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bền vững, có chu trình sống tuần hoàn.

green-and-yellow-modern-agriculture-report-presentation.png

Đồng thời, tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ môi trường sẽ giúp củng cố nền tảng cho tiêu dùng xanh bền vững.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần minh bạch trong việc công bố thông tin về sản phẩm xanh, bởi sự minh bạch sẽ giúp xây dựng niềm tin lâu dài từ người tiêu dùng và giúp họ đưa ra quyết định mua sắm thông minh và có trách nhiệm hơn.

Để truyền thông về tiêu dùng xanh đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và cộng đồng. Chính phủ có thể ban hành các quy định về nhãn mác và tiêu chuẩn xanh; doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết về sản phẩm của mình; và tổ chức phi chính phủ có thể đóng vai trò trong việc giám sát và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-Magazine: Chuyển mình cùng xu hướng "tiêu dùng xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO