Sản xuất và tiêu dùng bền vững góp phần giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường

Mai Đan - Thu Trang| 17/12/2019 13:13

(TN&MT) - Sáng 17/12 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV), đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sản xuất sạch hơn

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009.

Cho tới nay, sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu khai mạc hội thảo

“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cao, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào…” - ông Lê Xuân Đình cho biết thêm.

Theo ông Lê Xuân Đình, trong những năm qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã thực hiện thành công một số đề tài, đề án, triển khai đăng tải nhiều tin bài cùng với sự tham gia của đông đảo cộng tác viên trên khắp mọi miện của Tổ quốc, tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn, hội thảo để truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, cổ động và nêu gương những điển hình tiên tiến trong phát triển bền vững.

SX&TDBV tác động tích cực đến môi trường

Theo ông Đặng Hải Dũng, Chánh Văn phòng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, mục tiêu của Chương trình sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững (SCP) nhằm giảm nhẹ tác động môi trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế: tăng lên phúc lợi xã hội từ các hoạt động kinh tế bằng việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm.

Chương trình SCP cũng nhằm áp dụng phương pháp quản lý nguyên vật liệu đầu vào, chất thải qua toàn bộ vòng đời SP, giảm thiểu tới mức tối đa tài nguyên sử dụng, chất thải và ô nhiễm từ khâu khai thác tài nguyên, sản xuất các đầu vào trung gian, phân phối, markeing, sử dụng, thải bỏ chất thải, tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ.

Ông Đặng Hải Dũng, Chánh Văn phòng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo

“Chương trình này nhằm định hình cơ hội cho các nước đang phát triển như: tạo ra thị trường mới, các cơ hội việc làm cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả thông qua các công nghệ thân thiện môi trường” - ông Đặng Hải Dũng cho biết thêm.    

Trao đổi với PV Báo TN&MT bên lề hội thảo, ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) cho biết: Thông qua các chương trình dự án, hơn 1000 doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện SX&TDBV trong hoạt động của họ. SX&TDBV có thể áp dụng được ở mọi doanh nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, yếu tố bền vững (đối với môi trường và xã hội) được tính tới trong mọi quyết định kinh doanh và sản xuất khi các doanh nghiệp áp dụng SX&TDBV.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam trao đổi với PV Báo TN&MT bên lề hội thảo

“Chương trình SX&TDBV có tác động rất lớn, đem lại hiệu quả rất cao đến môi trường, giảm thiểu các nguyên vật liệu sản xuất, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng,... Trong quá trình hoạt động về sản xuất, hiệu suất mang lại cao hơn, vì vậy SX&TDBV vừa không gây tác động đến môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp” - ông Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.  

Tăng khả năng cạnh tranh kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Đánh giá cao vai trò của SX&TDBV, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng SX&TDBV là một trong những phương thức hiệu quả nhất để đạt được sự cân bằng các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện SX&TDBV sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Lệ Thủy cho rằng, việc triển khai thực hiện SX&TDBV là một cách tiếp cận tổng hợp nhằm đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết: Mục tiêu số 12 “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” có sự gắn kết với hầu hết các mục tiêu PTBV khác, đặc biệt là SDG 2, 3, 4, 8, 9, 13, 14 và 15. Việc thực hiện mục tiêu 12 sẽ có tác động tới kết quả thực hiện các mục tiêu khác và ngược lại.

Quang cảnh hội thảo

“Tăng cường sự gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững trong công tác lập kế hoạch quốc gia sẽ giúp tăng hiệu quả thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam” - bà Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất và tiêu dùng bền vững góp phần giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO