Sa Pa - Lào Cai: Có hay không chuyện cán bộ “bắt tay” doanh nghiệp “rút ruột” công trình nhà nước đầu tư cho người dân?

Bích Hợp| 12/05/2020 16:55

(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư tố cáo của người dân Thị xã Sa Pa (Lào Cai) về việc, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa bắt tay với doanh nghiệp “rút ruột” tại nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra để rộng đường dư luận.

Cụ thể, theo nội dụng đơn tố cáo của ông H.A.L (Họ tên nhân vật đã được thay đổi – PV) thì từ năm 2017 đến nay, ông Phạm Mạnh Anh, giữ chức vụ PGĐ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa đã “bắt tay” với các doanh nghiệp trong đó nổi bật là doanh nghiệp Cao Sơn do ông Nguyễn Trọng Quang làm chủ để ăn chia tiền của nhà nước đầu tư cho bà con nông dân thông qua các công trình xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại nhiều xã trên địa bàn. Nội dung đơn tố cáo này cùng được gửi đến nhiều nơi với hy vọng “tiếng dân được lắng nghe” để góp phần chống giặc nội xâm, làm trong sạch bộ máy cán bộ.

Đơn tố cáo nói rõ: “Những bàn tay trên đây sẽ không thể “che trời” nếu như ông Nguyễn Trọng Quang (chủ doanh nghiệp Cao Sơn) không phải là em trai ruột của ông Nguyễn Trọng Hài, nguyên là Bí thư huyện ủy Sa Pa (hiện nay ông Hài là đương kim Giám đốc Sở Giao Thông - Xây dựng Lào Cai).

Công trình nước cấp nước được đưa vào sử dụng cuối năm 2019 tại đội 1 thôn Cát Cát ( Sa Pa, Lào Cai).

Theo đơn thư tố giác, chúng tôi đã mục sở thị công trình xây dựng cấp nước sinh hoạt cho đội 1 và đội 3 thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên Sơn (xã San Sả Hồ cũ) được phê duyệt xây dựng năm 2018 với tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng. Công trình đã đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì chỉ khoảng 1 tháng gần đây công trình mới có nước để sinh hoạt. Còn trước đó, nước lúc có lúc không, có khi cả tuần không có nước chảy. Người dân thấy mất nước thì rủ nhau đi tìm điểm bị vỡ và tự sửa.

Anh Má A Giáo, người dân ở đội 1, thôn Cát Cát cho biết: Hai tháng nay thời tiết vào mùa mưa nên bể chứa lúc nào cũng đầy nước, còn trước đó, nước lúc có lúc không. Đường ống dẫn nước đã nhiều lần bị bục vỡ, bị tắc rác…bà con trong thôn phải tự bảo nhau đi sửa chữa, khắc phục mới có nước dùng. Một số người trong thôn bức xúc đặt ra câu hỏi: Tại sao một công trình được đâu tư tiền tỷ mà vừa đưa vào hoạt động (cuối năm 2019) lại không hiệu quả? Tại sao ống dẫn nước ông dẫn nước lại hay bục vỡ nhiều đến như vậy, liệu chất lượng có được đảm bảo không?

Công trình Sân văn hóa đa năng xã Tả Van được xây dựng hơn 4 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa làm chủ đầu tư.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã đến UBND xã Hoàng Liên Sơn, nhưng các cán bộ cơ sở tiếp chúng tôi đều có chung lời đề nghị: Xin phép không phát ngôn trên báo chí vì chưa biết rõ về công trình này. Nguyên do là, khi huyện Sa Pa lên thị xã thì xã San Sả Hồ (cũ) đã được tách ra thành phường Phan Si Păng và xã Hoàng Liên nên đội ngũ cán bộ ở đây được sắp xếp lại gần như hoàn toàn mới…

Tiếp đó, chúng tôi đã đến công trình xây dựng Sân văn hóa đa năng xã Tả Van (Sa Pa). Qua tìm hiểu chúng tôi biết, công trình này được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư xây dựng ngày 24/8/2018, với tổng vống đầu tư là hơn 4,3 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng sân văn hóa đa năng là hình thành một khu vui chơi giải trí cho người dân trong xã, tạo điểm đến du lịch cho người dân và du khách khi đến với du lịch Tả Van, Sa Pa.

Theo đơn tố cáo thì, bờ kè Sân văn hóa đa năng xã Tả Van được xây dựng không đảm bảo chất lượng, mặt sân thì được múc toàn đá hộc dưới suối để đắp mặt bằng, trong khi theo thiết kế thì công trình phải được đắp đất, lu nền, nhưng công trình không được làm như vậy nhưng ông Phạm Mạnh Anh vẫn kí nghiệm thu công trình.

Mặt Sân văn hóa đa năng xã Tả Van lầy lội và được dùng để chứa vật liệu xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ông Lý Văn Hiển, Chủ tịch xã Tả Van cho biết: Đầu năm 2020, xã Tả Van được bàn giao công trình sân văn hóa để đưa vào sử dụng. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa là chủ đầu tư nhưng công ty thi công không phải là doanh nghiệp Cao Sơn. Từ khi nhận bàn giao công trình từ Ban quản lý, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên đến nay xã chưa tổ chức được sự kiện văn hóa, văn nghệ nào để chào mừng công trình mới này. Về chất lượng xây dựng công trình, ông Hiển nói rằng, cán bộ xã không có đủ năng lực chuyên môn để đánh giá có đảm bảo hay không. Nhưng, ông Hiển cũng nói rằng, đây là công trình kè suối tạo mặt bằng, nên qua vài trận mưa lũ sau này là có thể biết ngay chất lượng công trình có đảm bảo hay không?

Mục sở thị công trình Sân văn hóa đa năng xã Tả Van, chúng tôi thấy đây đang là…bãi tập kết cát, sỏi chất đống như núi, còn mặt sân thì lầy lội.

Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Định, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa cho biết: Từ năm 2017 đến nay, công ty Cao Sơn đã trúng thầu và thi công 10 công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thị xã Sa Pa với tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Các công trình do doanh nghiệp này thi công đều đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện quyết toán. Ông Định cũng khẳng định “như đinh đóng cột”, không có chuyện cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa bắt tay với doanh nghiệp rút ruột các công trình xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Quang, GĐ công ty Cao Sơn than phiền rằng, thực sự chúng tôi rất mệt mỏi vì các đơn kiện cáo như thế này. Ngoài việc mất thời gian đi giải trình với các cơ quan chức năng, nó còn làm giảm uy tín của công ty… Có lẽ, vì anh tôi làm quan mà tôi làm công trình nào cũng bị người ta cũng soi mói, kiện cáo đến khổ!

Người dân đội 1 thôn Cát Cát vui mừng khi được dùng nước sạch, tuy nhiên nước thì lúc có lúc không.

Mặc dù lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa và Giám đốc Công ty Cao Sơn đều khẳng định, chất lượng các công trình xây dựng được thi công đảm bảo theo đúng hồ sơ thiết kế không có sai phạm gì. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và tài liệu phóng viên có, trong số 10 công trình mà công ty Cao Sơn thi công (đã có 08 công trình hoàn thành và được nghiệm thu) thì qua kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện Sa Pa và tỉnh Lào Cai đã phát hiện có những công trình sai phạm về khối lượng vận chuyển và đơn giá, thi công sai khối lượng và đã xử phạt công ty Cao Sơn với số tiền 157,8 triệu đồng.

Câu hỏi có chuyện cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sa Pa “bắt tay” với doanh nghiệp rút ruột công trình xây dựng hay không, xin gửi lại các cơ quan chức năng trên địa bàn làm rõ?

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa Pa - Lào Cai: Có hay không chuyện cán bộ “bắt tay” doanh nghiệp “rút ruột” công trình nhà nước đầu tư cho người dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO