Rừng Tây Nguyên còn đâu: Bài 2 - Rừng bị tàn phá, chủ rừng vô can?

13/10/2016 00:00

(TN&MT) - Phần lớn các DN không thể quản lý mặc cho rừng bị tàn phá, lấn chiếm. Thậm chí có những cán bộ, công nhân của DN còn "tiếp tay" cho việc chặt phá rừng...

 

(TN&MT) - Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên cho cả doanh nghiệp (DN) tư nhân và Nhà nước quản lý, bảo vệ. Nhưng phần lớn các DN không thể quản lý mặc cho rừng bị tàn phá, lấn chiếm. Thậm chí có những cán bộ, công nhân của DN còn “tiếp tay” cho việc chặt phá rừng mà mình được giao quản lý, bảo vệ.

Gỗ rừng tự nhiên bị cưa xẻ công khai ngay tại một dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Gỗ rừng tự nhiên bị cưa xẻ công khai ngay tại một dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Cứ giao rừng là mất!

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600ha, trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Chỉ sau vài năm giao rừng, đã có gần 4.800ha bị tàn phá từ rừng giàu thành rừng nghèo, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy, thậm chí làm nhà ở.

Tuy Đức là huyện được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích hơn 9.100ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên phải quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ hơn 5.500ha. Là địa phương được giao đất, giao rừng nhiều nhất, nhưng cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị lấn chiếm, xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong đó, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao là: Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc (233,6/234,3ha).

Cơ quan công an điều tra việc phá rừng tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH Gia Nghĩa ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.
Cơ quan công an điều tra việc phá rừng tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH Gia Nghĩa ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.

Trong số các DN để mất rừng ở Đắk Nông, dẫn đầu là Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt Đắk Song. Sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho quản lý bảo vệ 993,6ha rừng tự nhiên, công ty đã để 893,5ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm. Điều đán nói là sau khi làm mất 86,3% diện tích rừng được giao, mới đây công ty này đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị trả lại rừng. Không riêng gì công ty này, nhiều DN nhận rừng, đất rừng tại huyện Tuy Đức và Đắk G’long cũng đang muốn trả lại rừng vì nay chỉ còn là đất trống. Sau khi hoàn thành mục tiêu phá rừng, các doanh nghiệp được giao rừng lại muốn phủi tay trả lại cho tỉnh. Vô hình dung Đắk Nông đang thực hiện chuyển đổi ngược “đổi rừng lấy đất trống(!?)”

Không chỉ giao rừng quản lý, khoanh nuôi bảo vệ để mất rừng, mà ngay cả các dự án giao rừng, đất rừng phát triển kinh tế cũng bị mất. Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720ha.

Đơn cử như tỉnh Đắk Lắk đã cho phép 90 DN trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông, lâm nghiệp khác. Cũng từ năm 2009 đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000ha rừng bị chặt phá và lấn chiếm thuộc quản lý của các dự án chuyển đổi rừng.

Vì sao rừng bị phá?

Được giao quản lý và bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên, nhưng trong thời gian qua, các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên đã bỏ mặc cho người dân tự do vào xâm chiếm, tàn phá rừng. Đơn cử như diện tích rừng do Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa đang quản lý đã và đang bị tàn phá, xâm chiếm nghiêm trọng. Trên con đường đất lầy lội đi sâu vào lâm phần do Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha, Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa quản lý (tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) rừng bị phá tan hoang. Thoáng nhìn dọc hai bên các tuyến đường chính đi qua rừng, cây rừng còn lại một vạt mỏng để “ngụy trang” che chắn cho những căn nhà tạm, những khu đất trống, những đồi sắn, cà phê, tiêu… trải dài bên trong.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, sau 10 năm (từ năm 2005 - 2015) công ty TNHH MTV Gia Nghĩa được giao quản lý hơn 24.000ha rừng tự nhiên, nhưng đã để mất hơn 8.700ha. 

Nhiều diện tích rừng khộp ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) bị chuyển đổi ồ ạt để trồng cao su.
Nhiều diện tích rừng khộp ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) bị chuyển đổi ồ ạt để trồng cao su.

Thực trạng này cũng diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau nhiều ngày thực địa tại các khu rừng ở huyện Ea Súp, phóng viên đã chứng kiến những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý đang ngày đêm bị chặt phá, rút ruột tràn lan. Hàng trăm ha rừng đã bị lâm tặc tỉa thưa những cây gỗ lớn có giá trị tuồn vào các xưởng gỗ. Nạm lấn chiếm rừng làm nương rẫy diễn ra tràn lan tại diện tích rừng giao cho công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh quản lý. Các đối tượng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy là người đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc như: H’Mông, Tày, Nùng dân di cư tự do từ phái bắc vào. Các Cty lâm nghiệp thừa nhận bất lực trong việc ngăn chặn nạn lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Chủ rừng bị xử lý rất hiếm

Từ năm 2008 - 2014, ở Đắk Lắk có hơn 26.400ha rừng bị phá và lấn chiếm, trong đó các công ty lâm nghiệp bị chiếm hơn 11.100ha. Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị mất và xâm chiếm từ năm 2004 đến nay là hơn 27.600 ha. Chỉ tính riêng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã để mất hơn 4.500ha. Còn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức) được giao quản lý 9.800ha rừng và đất rừng. Cuối năm 2011, công ty này ký hợp đồng liên doanh, liên kết trồng rừng với 9 doanh nghiệp tư nhân và để mất 1.300ha rừng. Vì thế, 8 cán bộ nguyên là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên của công ty phải hầu tòa về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.   

Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm trong quản lý của các DN, còn có sự “tiếp tay” của một số cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Điều này cũng giải thích được nguyên nhân tại sao nhiều vụ phá rừng diễn ra “sát nách” chốt chặn của các chủ rừng, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nhưng “chẳng ai biết”?.

Gỗ lậu được chở từ các dự án trồng cao su ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).
Gỗ lậu được chở từ các dự án trồng cao su ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020” được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk vào năm 2014, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đức Luyện đã thẳng thắn trao đổi: “Báo cáo của tỉnh có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng nhưng tôi nghĩ: Nguyên nhân đầu tiên chính là có liên quan đến cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, thậm chí có chỉ đạo “bật đèn xanh” để phá rừng sau đó mua lại. Chúng tôi đi thực tế thấy mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, thậm chí giao cho công an tỉnh vào cuộc cũng không thể làm đến cùng vì có “quân ta” trong đó.’’

Minh chứng cho phát biểu này là: Trong thời gian vừa qua tỉnh Đắk Nông đã có tình trạng lãnh đạo một số Sở, ngành còn được ưu ái đề nghị cấp quyền sử dụng đất trên đất lâm nghiệp. Đến nay, vẫn chưa tìm thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị thu hồi, thật là trớ trêu./.

 

Việc các doanh nghiệp được giao quản lý bảo vệ rừng để mất rừng không bị xử lý đã tạo tiền lệ xấu cho việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng. Hơn nữa, khi bị mất rừng thì các ngành chức năng lại đổ lỗi cho nhau, đúng là “Cha chung không ai khóc”. Chính vì vậy tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vào ngày 20-6-2016 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao trách nhiệm cụ thể: “Địa phương nào để xảy ra mất rừng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.

 

 

Bài và ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng Tây Nguyên còn đâu: Bài 2 - Rừng bị tàn phá, chủ rừng vô can?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO