Tiêu thụ điện toàn quốc tăng kỷ lục do nắng nóng gay gắt
(TN&MT) - Trong những ngày nghỉ lễ cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã đạt mốc kỷ lục mới lên tới 47.670 MW. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ toàn quốc đạt kỷ lục ngày 26/4 với 993 triệu kWh.
Riêng đối với khu vực miền Bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Như vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc khả năng cao còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.
Trong ngày 28/4, Đông Hà (Quảng Trị) đã ghi nhận nhiệt độ 44 độ C, kém kỷ lục Việt Nam 44,2 độ C của Tương Dương (Nghệ An) vào năm ngoái.
Trong ngày hôm nay 29/4, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 40-42 độ, có nơi trên 42 độ như: Tương Dương (Nghệ An) 42.1 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 42.4 độ…. Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ như: Yên Châu (Sơn La) 41.3 độ, Tam Kỳ (Quảng Nam) 39.7 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40.4 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 39.8 độ….
Các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Khánh Hòa đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng, với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 37 độ như: Ayunpa (Gia Lai) 38.2 độ, …; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-55%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực từ Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ. Các khu vực còn khác có nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Từ ngày 1/5, Trung Bộ và Bắc Bộ sẽ giảm nhiệt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước các hồ chứa thủy điện lớn khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên hiện thấp hơn từ 1 - 17,4m so với mực nước dâng bình thường. Dung tích hiện tại của các hồ chứa khu vực Bắc trung Bộ đạt từ 57 - 87% dung tích thiết kế, trong khi các hồ khu vực Trung Trung Bộ đạt 69-90%, các hồ khu vực Nam Trung Bộ đạt 35-83%, các hồ khu vực Tây Nguyên đạt từ 40-95%; các hồ trên hệ thống sông Đồng Nai đạt từ 55-97%.
Với việc kinh tế từng bước được phục hồi, đồng thời dự báo tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng nên nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023. Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cập nhật tính toán Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô của năm 2024 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh.
Để chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã và đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật, các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện. Đồng thời, huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024.
Các Tổng công ty Phát điện và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Than Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện. Trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm, EVN đã phối hợp với PVGas để cung cấp khí LNG cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (đã được chuyển giao cho EVN) và đã vận hành từ 11/4/2024.
Để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện khu vực miền Bắc, các Tổng công ty Điện lực có thể sẽ huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, Ngoài ra, EVN đàm phán để tăng cường nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, trong đó tiếp tục đàm phán với các đối tác tại Lào để tăng nhập khẩu điện về Việt Nam qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.
Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024, EVN khuyến nghị người dân và các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19h00 đến 23h00). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chi bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên và có thể sử dụng kết hợp với quạt; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm...