Quyết liệt xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển

Lưu Nguyên Sơn| 02/03/2021 23:07

(TN&MT) - Tổng cục Hải quan có công văn chỉ đạo các cục hải quan: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển.

Công văn nêu rõ, Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Theo đó, hiện nay đã hết thời hạn tái xuất các container tồn đọng là phế liệu không thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan Hải quan nhưng các hãng tàu chưa thực hiện.

Về việc này, Tổng cục Hải quan yêu cầu, đối với phế liệu tồn đọng thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân và thuê tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 5918/TCHQ-GSQL ngày 09/9/2020 của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, hoàn thành việc ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật trước ngày 29/01/2021 và báo cáo việc ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá về Tổng cục Hải quan trong ngày 29/01/2021.

Rất nhiều phế liệu hiện đang tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam. Ảnh minh họa

Đối với phế liệu không thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg thì Căn cứ Điều 58, điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, số thứ tự 13 mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, khoản 10, khoản 11 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố xác định hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam của hãng tàu (Đại lý hãng tàu, người đại diện hãng tàu tại Việt Nam).

Đồng thời, thực hiện như sau: đối với các lô hàng phế liệu (theo từng chuyến) và hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo thẩm quyền.

Đối với các lô hàng phế liệu (theo từng chuyến) và hành vi vi phạm còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất theo thẩm quyền.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đối với phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg nhưng không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại, Điều 58, điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 7, khoản 12 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố xác định hành vi nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hãng tàu (Đại lý hãng tàu, người đại diện hãng tàu tại Việt Nam).

Đồng thời, thực hiện như sau: đối với các lô hàng phế liệu (theo từng chuyến) và hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo thẩm quyền.

Đối với các lô hàng phế liệu (theo từng chuyến) và hành vi vi phạm còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất theo thẩm quyền.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố trên quyết định biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam của các hãng tàu phải thực hiện theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu như sau:

Tái xuất các lô hàng phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu về nước xuất khẩu sau khi có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, việc tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập và không được thực hiện tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa.

Các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải thực hiện thủ tục tái xuất theo từng vận tải đơn khi nhập khẩu (không được chia nhỏ lô hàng, không chia nhỏ số lượng container, không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển).

Các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển phải được lưu giữ nguyên trạng trong container ban đầu, không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác trước khi tái xuất.

Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không thể thực hiện tái xuất theo Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan và cá nhân, tổ chức vi phạm có văn bản đề nghị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy hàng hóa ngay và chịu chi phí tiêu hủy để nhanh chóng thu hồi vỏ container và giảm bớt tiền lưu kho, lưu bãi:

Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đối chiếu danh sách các lô hàng vi phạm với danh sách các lô hàng đã được cơ quan Hải quan ban hành văn bản thông báo về việc vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (theo hướng dẫn tại công văn số 6632/TCHQ-GSQL ngày 22/10/2019 và công văn số 3230/TCHQ-GSQL ngày 19/5/2020 của Tổng cục Hải quan), trường hợp hàng hóa vi phạm đã quá thời hạn tái xuất theo văn bản yêu cầu của cơ quan Hải quan thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ khoản 2 Điều 22 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ để xem xét khi quyết định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Hải quan cho biết, chi phí tiêu hủy thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO