Quy hoạch đô thị mới tại Quảng Ninh: Bất cập chính sách hỗ trợ di dời

30/12/2015 00:00

Di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch đô thị ” là một trong những nội dung quan trọng tại Kế hoạch số 40/KH-UBND, ngày 11/3/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, tất cả các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong thành phố phải thực hiện di dời về tiểu khu công nghiệp tập trung tại phường Hà Khánh, giai đoạn (2012 – 2016) và được hưởng chính sách hỗ trợ di dời theo quy định. Tuy nhiên, chủ trương đã rõ nhưng việc thực hiện có thực sự nghiêm túc và đúng với quy trình hay không, đến nay vẫn là thắc mắc, băn khoăn mà của nhiều chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng phải di dời.

Tiểu khu công nghiệp phường Hà Khánh – Hạ Long – Quảng Ninh thiếu cây xanh và ô nhiễm môi trường
Tiểu khu công nghiệp phường Hà Khánh – Hạ Long – Quảng Ninh thiếu cây xanh và ô nhiễm môi trường

Chính sách rõ

Theo lộ trình, năm 2013 sẽ tập trung hỗ trợ 25 cơ sở tự nguyện dừng sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, các cơ sở tự nguyện xin di dời vào khu, cụm CN trên địa bàn 20 phường, có diện tích đăng ký thuê đất phù hợp với quy hoạch của khu, cụm CN. Năm 2014, di dời 40 – 50 cơ sở, năm 2015 sẽ di dời 50 – 60 cơ sở và số còn lại sẽ di dời trong năm 2016. Căn cứ vào Quyết định 255/2012/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh và hướng dẫn chi tiết của các ngành về cơ chế, chính sách hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện để UBND các phường thực hiện tuyên truyền, vận động đối tượng phải di dời. Tại Điều 5, quy định rõ chính sách hỗ trợ tiền thuê lại đất tại địa điểm mới, như sau:“Các cơ sở di dời đến tại điểm mới trong các khu, cụm CN được hỗ trợ một phần tiền thuê lại đất phải nộp tính cho từng năm trong 5 năm đầu. Diện tích đất được hỗ trợ sẽ bằng diện tích đang sử dụng tại cơ sở cũ. Trường hợp thuê lại diện tích đất lớn hơn diện tích cũ thì cơ sở phải tự trả tiền phần diện tích đất lớn hơn đo”. Tại điều 6, Quyết định 255 cũng quy định rõ về số tiền hỗ trợ việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và hỗ trợ tiền thuê nhà, xưởng tại địa điểm mới với mức hỗ trợ 3.000đ/m2 nhưng không quá 3 triệu đồng đối với một cơ sở.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở đã chủ động di dời trong khi chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ phía thành phố. Cty TNHH vận tải và du lịch Việt Đức là một trong những cơ sở đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của tỉnh, nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, không những không nhận được tiền hỗ trợ theo quy định mà ngược lại, phải trả lãi suất với mức bình thường. Ông Trịnh Văn Mỹ, giám đốc, cho biết: Theo quy định, sẽ được ưu tiên hỗ trợ 300.000đ – 500.000đ/m2 nhà xưởng và khu tiểu thủ CN phải có cây xanh, vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng đúng với các điều khoản hợp đồng. Thực tế, môi trường bụi bẩn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Cũng nằm trong tình trạng đó, Cty Gỗ Hải Yến phải tự xoay sở kinh phí hơn 5 tỷ đồng để thực hiện di dời và thuê đất, xây dựng nhà xưởng, thậm chí phải bỏ tiền trồng cây xanh… để ổn định sản xuất. DN tư nhân Anh Phú đã thuê 1.113 m2 đất để xây dựng nhà xưởng, với giá 715.000 đồng/m2 và đã phải nộp 30% tổng số tiền thuê đất. Ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Anh Phú cho biết: DN nhiều lần gửi đơn đề nghị thành phố Hạ long và Tập đoàn kinh tế Hạ Long (nhà đầu tư tiểu khu công nghiệp) thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời đối với DN nhưng không nhận được câu trả lời… Theo tìm hiểu của DĐDN, một số cơ sở do không có tiền nộp tiền thuê đất (50%) nên không được đấu điện, phải tự bỏ tiền mua trạm biến thế để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Các DN đang trông chờ chính sách hỗ trợ đã ban hành phải được thực thi để đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Khi nào được hưởng chính sách hỗ trợ di dời?

Đó là băn khoăn, tâm tư của hầu hết các chủ cơ sở thuộc đối tượng phải di dời và đã thực hiện di dời theo đúng chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về quy hoạch đô thị mới.

Bà Bùi Thị Tuyết đại diện Cty TM-DV cơ khí Hạ Long cho biết, Cty đã di dời vào tiểu khu CN từ 11/2014 nhưng đến thơiời điểm này không nhận được hỗ trợ vay vốn, tự xây dựng nhà xưởng, tự mua trạm biến thế hơn 300 triệu đồng… ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN.

Cũng theo tìm hiểu của PV, duy nhất chỉ có DN Nội thất Kinh Bắc đã nhận được hỗ trợ đền bù, nhưng đang trong gia đoạn xây dựng cơ sở vật chất. Ông Đinh Văn Xuân – Giám đốc Cty cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chúng tôi đã thuê đất với hợp đồng 50 năm, với giá 715.000 đồng/m2 và đã thanh toán được hơn 700 triệu đồng.

Trả lời những vấn đề của DN bức xúc, ông Tăng Xuân Vĩnh, Trưởng phòng kinh doanh, Tập đoàn Kinh tế Hạ Long giải thích: Theo kế hoạch đến hết năm 2014, tiểu khu CN sẽ hoàn thiện vỉa hè, cây xanh nhưng do điều chỉnh quy hoạch nên chúng tôi đã xin gia hạn thời gian, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đến hết năm 2015. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về hệ thống điện cao thế, DN phải tự lo hệ thống hạ thế…

Khi PV đem những bức xúc này lên hỏi ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long thì ông Huy khẳng định: Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, không can thiệp vào công việc của nhà đầu tư và các DN. Thành phố không thể ép nhà đầu tư hoàn chỉnh ngay cơ sở hạ tầng, mà đã có biên bản làm việc, ngày 27/11/2014 đôn đốc Tập đoàn Kinh tế Hạ Long thực hiện nghiêm túc các quyết định, các thông tư về nội dung đã quy định.

Như vậy, thực tế khác xa nhiều so với các văn bản đã ban hành, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã quá rõ những bất cập, vướng mắc và những khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Nhưng đến bao giờ DN mới được hưởng các chính sách hỗ trợ đã ban hành để ổn định sản xuất kinh doanh vẫn còn là câu hỏi ngỏ?

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đô thị mới tại Quảng Ninh: Bất cập chính sách hỗ trợ di dời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO