Quy định nghiêm ngặt về phát triển du lịch trong khu bảo tồn
(TN&MT) - Bạn đọc Nguyễn Lê Lan Hương (Lâm Đồng) hỏi: Hiện nay, xu thế vừa phát triển, vừa bảo tồn tại Vườn quốc gia đang thịnh hành. Xin hỏi, Nhà nước có chính sách và quy định cụ thể nào liên quan đến việc đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển du lịch trong hệ thống các Vườn quốc gia để bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học?
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:
Hiện nay, pháp luật có nhiều quy định về đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn. Những quy định này nằm rải rác ở Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp…, cụ thể:
Khoản 4 Điều 5 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 về chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vừng đa dạng sinh học quy định: “Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn”.
Khoản 4 Điều 138 Luật Bảo vệ môi trường về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên quy định: “Tổ chức, cá nhân phải trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên khi có hoạt động sau đây: khai thác, sử dụng mặt nước, mặt biển của hệ sinh thái cho nuôi trồng thủy sản, dịch vụ giải trí dưới nước; khai thác, sử dụng cảnh quan của hệ sinh thái cho dịch vụ du lịch, giải trí; sản xuất, kinh doanh có phát thải khí nhà kính phải sử dụng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của hệ sinh thái để thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.
Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trong đó quy định chi tiết: “Sau khi đề án du lịch sinh thái, nghỉ 2 dưỡng, giải trí được phê duyệt, chủ rừng chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt”. Việc lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác liên quan.
Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định về cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Điều 15 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng.
Trên đây là một số quy định cụ thể về đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, bạn có thể tìm hiểu thêm những quy định này sau khi Nghị định sửa đổi được ban hành.