Cụ thể, UBND TP.Đông Hà yêu cầu các đơn vị trên tổ chức kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của đơn vị và các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố cá chết ở hồ Đại An, báo cáo kết quả về UBND thành phố trong tháng 12/2019.
Đồng thời, giao Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp Khuyến công và dịch vụ công ích TP.Đông Hà chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Quy trình vận hành các công trình của hồ Đại An nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng nước hồ.
Sự cố cá chết gây ô nhiễm hồ Đại An vừa xảy ra hồi đầu tháng 11/2019 |
Trước đó, như tin đã đưa, sáng 07/11, tại hồ chứa nước Đại An (TP.Đông Hà) đã xuất hiện tình trạng hàng tấn cá chết hàng loạt nổi trắng mặt hồ, kèm mùi hôi thối. Ngay sau khi Báo TN&MT phản ánh thông tin, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn giao Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND TP. Đông Hà và các cơ quan liên quan kiểm tra, tìm nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp ngăn chặn tình trạng cá chết ở hồ Đại An.
Đến ngày 15/11, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị có báo cáo số 3730/BC-STNMT gửi UBND tỉnh này về việc nhận định nguyên nhân cá chết ở hồ Đại An. Nguyên nhân cá chết được Sở xác định do thiếu ô xy nghiêm trọng. Việc sụt giảm ô xy được nhận định hệ thống thu gom nước đổ vào hồ không tách được hoàn toàn nước thải với nước mưa, nên một phần nước thải đô thị trong lưu vực vẫn đổ vào hồ làm suy giảm chất lượng nước hồ. Đặc biệt các chất gây ô nhiễm NH4+ và NO2- có trong nước thải đã tiêu thụ nhiều ô xy hòa tan của nước hồ.
Hồ Đại An là một trong các hồ nội thị để điều hoà nước mặt của TP. Đông Hà |
Ngày 25/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công văn số 5436/UBND-MT đề nghị UBND TP.Đông Hà tổ chức kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của các đơn vị liên quan để xảy ra sự cố cá chết gây ô nhiễm môi trường tại hồ Đại An vừa qua.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng nước hồ bằng cách xây dựng quy trình và tổ chức vận hành thường xuyên, hiệu quả các công trình của hồ Đại An như: hệ thống tách nước thải, hệ thủy sinh, hệ thống bơm nước, quy trình tháo nước; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, bố trí kinh phí, phương tiện vận hành để đảm bảo chất lượng nước của hồ Đại An.
Đến nay, sau 1 tháng xảy ra sự việc, kể từ khi hệ thống bơm nước tại hồ hoạt động trở lại, khu vực này đã không còn xuất hiện hiện tượng cá chết, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như trước.