Quảng Ninh: Đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá

10/11/2016 00:00

Trong Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" triển khai trong năm 2014 - 2015 trên khu vực miền núi...

(TN&MT) - Sau mỗi trận mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lại xảy ra hiện tượng trượt lở đất đá, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình và cả tính mạng của người dân. Theo các nhà địa chất, đây là loại hình tai biến thường có quy mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2 - 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Vẫn chưa thể nào quên được, sạt lở đất đá sau đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7/2015 đã lấy đi 8 người trong một gia đình thuộc tổ 4, khu 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long chỉ trong tích tắc.
 
Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá Ảnh: MH
Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá. Ảnh: MH
 
Do đó, việc cần có một công trình điều tra nghiên cứu và cảnh báo về nguy cơ TLĐĐ đủ chi tiết, phù hợp, áp dụng hệ phương pháp tiên tiến để phục vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiêt hại là điều vô cùng cần thiết.
 
TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng,  Quảng Ninh chưa phải là địa phương có nguy cơ sạt lở đất cao so với vùng núi Tây Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Tuy vậy, Quảng Ninh thường hứng chịu những trận mưa lớn và kéo dài, sau những trận mưa đó, đất đá bị bão hòa nước, phần đất đá phía trên (phong hóa) bị ngậm nước, dễ dàng dẫn đến sạt lở.
 
“Hơn nữa, đặc điểm đất đai của Quảng Ninh là yếu, thảm phủ thực vật sơ mỏng khiến quá trình bão hòa lớp đất đá trên bề mặt xảy ra rất nhanh. Với cường độ mưa dài ngày, ở vùng có cấu trúc địa chất phức tạp thì những khối trượt lở lớn sẽ được kích hoạt, tình trạng sạt lở có thể xảy ra ở tất cả vùng đồi núi Quảng Ninh” - TS. Hùng cảnh báo.
 
Chuyên gia địa chất cũng cho biết, các vùng có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý gồm: rìa thành phố, ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả; khu dân cư nằm trên sườn đồi, chân đồi nhìn ra biển có cảnh quan đẹp; khu dân cư nằm dọc cửa suối. Các vùng xung yếu gồm Bình Liêu, Móng Cái, Đông Triều, Cẩm Phả, Hòn Gai, Bãi Cháy... bởi đây là những khu vực khai thác than lớn, có nhiều bãi thải.
 
“Nơi có mật độ sông suối dày, thảm phủ thực vật mỏng, dân số cao, đều được đặt trong tình trạng báo động khi có mưa lớn kéo dài. Chính quyền nên có biện pháp tích cực với người dân ở những khu vực này để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người” - TS. Hùng nói.
 
Trong Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” triển khai trong năm 2014 - 2015 trên khu vực miền núi Quảng Ninh tại địa bàn 13 đơn vị hành chính cấp huyện cũng đã cảnh báo 341 vị trí có biểu hiện TLĐĐ; 374 vị trí đã và đang xảy ra TLĐĐ được xác định từ khảo sát thực địa; 70 vị trí đã xảy ra các tai biến địa chất khác liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 14 vị trí lũ quét, lũ ống, 14 vị trí xói lở bờ sông, suối và 42 vị trí xảy ra các tai biến địa chất khác có liên quan đến các hoạt động khai thác khoáng sản.
 
Hiện trạng TLĐĐ trong khu vực điều tra tỉnh Quảng Ninh có những đặc điểm chính như sau: Về quy mô khối trượt: Trong số 374 điểm TLĐĐ đã được xác định từ khảo sát thực địa, có 162 vị trí có quy mô nhỏ,  141 vị trí có quy mô trung bình, 67 vị trí có quy mô lớn và 4 vị trí có quy mô rất lớn. 
 
Về đặc điểm phân bố và mức độ thiệt hại, kết quả điều tra cho thấy, có 67,6% số lượng điểm TLĐĐ liên quan đến đất lâm nghiệp, 28% số lượng điểm TLĐĐ liên quan đến khu dân cư, 4% số lượng điểm TLĐĐ liên quan đến khu vực khai thác khoáng sản; chỉ có 0,3% số điểm TLĐĐ thuộc đất trống. Hầu hết các điểm TLĐĐ được xác định đã xảy ra trên các sườn dốc nhân tạo, chiếm 94,9% số lượng điểm TLĐĐ đã điều tra bằng khảo sát thực địa, chỉ có 5,1% số điểm TLĐĐ còn lại được xác định đã xảy ra trên các sườn dốc tự nhiên và chưa có tác động của con người làm biến đổi hình thái bề mặt sườn dốc.
 
Kết quả điều tra cũng cho thấy, quy mô TLĐĐ trên vùng Quảng Ninh chủ yếu là nhỏ và trung bình, chiếm tới hơn 80% tổng số điểm trượt; số khối trượt quy mô lớn chiếm 17%. Số điểm trượt có quy mô rất lớn rất ít, chỉ chiếm 1% tổng số điểm trượt. Như vậy có thể thấy mức độ ảnh hưởng của TLĐĐ ở tỉnh Quảng Ninh không quá lớn.
 
Phạm Thu Hà
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO