Chiều 27/10, ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc khắc phục sạt lở tại đèo Eo Chim chưa thể hoàn thành khiến hàng trăm hộ dân ở 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) với 2.216 nhân khẩu vẫn đang bị cô lập.
Vị trí sạt lở rộng 50 m, vết nứt kéo dài hơn 200 m, mái ta luy âm đổ xuống đã phá hỏng gần như toàn bộ tuyến đường.
Sạt lở đèo Eo Chim đã làm chia cắt, cô lập hoàn toàn 490 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu ở 3 thôn của xã Hương Trà |
Lực lượng chức năng của xã Hương Trà đã làm rào chắn và tạo lối mòn đi qua điểm sạt lở. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời để người dân có thể qua lại mua lương thực, thực phẩm thiết yếu. Nếu thời tiết mưa còn kéo dài, phía trên đồi núi hiện đã có những vết nứt lớn rất có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
“Tuyến này do huyện quản lý, với tình hình hiện nay, muốn làm lại đường phải chờ qua mùa mưa, mời đơn vị tư vấn nghiên cứu giải pháp, chứ đường hiện tại không thể khắc phục được”, Bí thư Huyện uỷ Trà Bồng thông tin.
Đoạn sạt lở nặng có chiều dài hơn 200m. |
Do bị cô lập nhiều ngày nên người dân nơi đây thiếu các loại nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm. Trước tình hình khó khăn này, đoàn công tác của Huyện ủy Trà Bồng và lực lượng chức năng vượt nhiều cây số đường rừng cõng lương thực, thực phẩm vào tiếp tế khu vực bên trong, và bước đầu tiếp cận người dân ở ba thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam.
Ngoài ra, dọc cả tuyến đường, mái taluy âm hầu như lâm vào tình trạng hư hỏng. |
Còn tại km 50+ 500, tỉnh lộ 622B, đoạn qua xã Trà Phong (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), trong đêm 24/10, núi sạt xuống đường, đất đá nằm ngổn ngang, gây cản trở giao thông. Ước tính khối lượng sạt lở khoảng 1.500 mét khối. Ngay sau đó, ngành chức năng đã chỉ đạo điều động xe cơ giới đến giải phóng tạm thời và đang tiếp tục di dời toàn bộ khối lượng sạt lở.
Đất đá tràn ra đường sau vụ sạt lở |
Cũng trên tuyến tỉnh lộ 622B, tại km59+750, một điểm sạt lở khác đang được khẩn trương khắc phục. Tại khu vực này, có khoảng hơn 500 mét khối đất đá tràn xuống lòng đường, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
“Tuyến đường này thường xuyên xảy ra sạt lở nên đi lại rất khó khăn. Hơn nữa lần nào đi cũng lo sợ, không biết núi sạt lúc nào”, chị Lê Thị Huyền- Giáo viên THCS Trà Xinh (huyện Trà Bồng) chia sẻ.
Núi sạt xuống đường, đất đá nằm ngổn ngang gây cản trở giao thông. |
Thống kê sơ bộ, đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, nhiều tuyến đường tỉnh ở Quảng Ngãi xảy ra sạt lở với tổng khối lượng ước tính hơn 7.000 mét khối, tập trung nhiều ở các khu vực miền núi, gây cản trở giao thông.
Sạt lở bủa vây huyện miền núi Trà Bồng |
Ông Bùi Tuấn Nhất- Phó trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật, Công ty cổ phần xây dựng giao thông Quảng Ngãi cho biết: “Sau khi sạt lở xảy ra, đơn vị đã khẩn trương huy động nhân công, thiết bị ngay trong đêm để thông tuyến tỉnh lộ nhanh nhất, tạo thuận lợi cho bà con đi lại”.