Giữ rừng, giữ làng
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi không chỉ có tác dụng phòng hộ chắn sóng, cải thiện môi trường sinh thái mà còn đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng ven biển.
Bà Nguyễn Thị Hải, trú thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vùng quê này được bao bọc bởi sông nước vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Những năm gần đây rừng ngập mặn được khôi phục và bảo vệ, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối không bị ảnh hưởng nhiều.
Không chỉ các tác dụng chắn gió bão cho làng mà nơi đây còn tạo sinh kế cho bà con. 30 năm nay gia đình bà Hải gắn bó với rừng ngập mặn này. Mấy đứa con cũng nhờ tôm cá nơi này mà trưởng thành và học hành đàng hoàng. Mấy năm gần đây, thời điểm không có dịch Covid-19, bà Hải lại có thêm thu nhập từ việc chở khách đi du ngoạn, thăm thú cảnh đẹp của Bàu Cá Cái.
Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái được hồi sinh và mở rộng đã tạo thêm sinh kế và mang đến nguồn lợi bền vững cho người dân. |
"Khi rừng được khôi phục thì có tác dụng che chắn bão, hệ sinh thái cải thiện rõ rệt, các loài chim, cò, đặc biệt là vịt trời về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều.”- bà Hải chia sẻ.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2014, rừng ngập mặn tại bàu Cá Cái đầu tiên được trồng bởi “Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án đã trồng hơn 50ha rừng ngập mặn và diện tích này vẫn đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Từ năm 2019 đến nay, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiếp tục tài trợ cùng với nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư, tiến hành trồng mới thêm khoảng 22,52 ha (kế hoạch 25 ha) và hỗ trợ hộ dân nhận khoán bảo vệ 50 ha rừng nói trên để cải thiện sinh kế.
Ứn phó với Biến đổi khí hậu
Trước tác động tiêu cực của thiên tai, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì việc khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu.
Người dân ở xã Bình Thuận mưu sinh nhờ vào rừng ngập mặn Bàu Cá Cái |
Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, đặc biệt năm 2021 tần suất mưa, lụt diễn ra liên tục từ tháng 9 đến tháng 12, việc khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn gặp nhiều khó khăn. "Qua kiểm tra, đánh giá thực địa vào năm 2020 cho thấy, 22,52 ha rừng ngập mặn trồng năm 2019 đã đạt tỷ lệ sống gần 100%. Thế nhưng do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt mưa bão năm 2021 đã gây ngập sâu liên tục, nước không rút được nên hệ rễ của cây con bị thối nhũn, làm diện tích cây trồng năm 2019 bị chết trên đến 70%", bà Nguyễn Thị Thùy Dung- Điều phối viên dự án GCF-UNDP cho biết.
Theo đại diện Sở NN& PTNN tỉnh Quảng Ngãi để trồng được những dải rừng ngập mặn, ngành chuyên môn đã tính toán đắp đất tạo líp, luống cho phù hợp với mực nước tại nơi trồng. Tuy nhiên, tần suất mưa kéo dài trong thời gian qua làm số cây mới trồng chưa phát triển đến độ trưởng thành đã bị ngập úng, thối gốc. Trong khi đó, số lượng cây giống trồng dặm lưu vườn không đủ bù lại số cây bị chết.
Diện tích rừng trồng mới bị hư hại do ảnh hưởng của thiên tai |
Hiện Sở NN& PTNN tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi nhà tài trợ UNDP cho phép gia hạn thời gian thực hiện hợp phần 2 (trồng rừng ngập mặn) của dự án đến hết năm 2022 để có thời gian khắc phục, trồng bổ sung và chăm sóc diện tích 22,52ha rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, địa phương và các hộ dân ven biển ở Quảng Ngãi đã tích cực trồng rừng ngập mặn. Cụ thể, trồng mới và phục hồi hơn 100ha ven biển xã Bình Thuận; trồng hơn 45 ha ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Cây trồng rừng ngập mặn chủ yếu là cóc, bần, dừa nước... Những dự án này sau khi được nghiệm thu, đã bàn giao lại cho người dân tham gia quản lý, hưởng lợi, góp phần nâng trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn