Quảng Ngãi: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững

Lan Anh| 17/10/2020 17:53

(TN&MT) - Trong chiến lược phát triển của địa phương, Quảng Ngãi xác định khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó việc đánh bắt hải sản theo hướng hiện đại hóa, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm.

Bám biển làm giàu

Mùa biển động, hầu hết chủ các tàu cá đều tranh thủ đưa phương tiện lên triền đà để sửa chữa sau một năm sản xuất. Cũng vì thời tiết thường xuyên biến động, nguy cơ rủi ro cao nên ngư dân ngại ra khơi. Nhưng ngư dân của làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì khác, vẫn bám biển quanh năm.

Ngư dân Ngô Văn Bé (50 tuổi) – người sở hữu cùng lúc 2 chiếc tàu công suất lớn mang số hiệu QNg 90077 TS, QNg 90647 TS chia sẻ, bất kể mùa nào, hễ trời yên, biển lặng ra khơi đánh bắt hải sản. Thời tiết thuận lợi thì bám biển dài ngày còn khi có bão thì điều tàu về bờ hoặc tránh hướng di chuyển của bão.

Đến nay, Quảng Ngãi đã có 5.571 tàu cá với tổng công suất hơn 1,8 triệu CV. Trong đó, tàu cá dài hơn 15 m đánh bắt xa bờ là 3.300 tàu, đứng thứ hai cả nước.

“Đặc thù của nghề lưới vây là khai thác cá nổi. Biển có sóng cỡ cấp 4, cấp 5 trở lên cá hoạt động ở tầng nổi nhiều. Vì thế các chuyến biển thường đạt sản lượng cao. Bán hải sản được giá vì nguồn cung ít. Để đối phó với sóng gió, giông lốc ngư dân chúng tôi ra khơi luôn liên kết tương trợ lẫn nhau theo mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển.”- ngư dân Ngô Văn Bé chia sẻ.

Cũng ở thôn Châu Thuận Biển, nhờ khai thác hải sản đạt mà ngư dân Nguyễn Thành Nam sở hữu đội tàu lặn công suất mỗi chiếc 800 CV, từ 5 năm trước đã xây được căn nhà mới 1,5 tỉ đồng. "Những chuyến ra khơi dù vất vả, cực nhọc, đối diện nhiều hiểm nguy nhưng biển lại ban tặng ngư dân Châu Thuận Biển cuộc sống đủ đầy, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ biển” - ông khẳng định.

"Chiến lợi phẩm" sau mỗi chuyến bám biển dài ngày

Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu - Bùi Hồng Vân cho biết, trong con số dao động từ 300 - 400 thuyền của Quảng Ngãi thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa thì có đến không dưới 100 chiếc của ngư dân Châu Thuận Biển. Với bà con ở Châu Thuận Biển, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống khai thác nguồn lợi hải sản phát triển kinh tế và là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

“Những năm gần đây khi ngư dân được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư những con tàu hàng trăm mã lực vươn khơi, bám biển quanh năm, đời sống của người dân khá lên rất nhiều. Ở Châu Thuận Biển có đến 4-5 chục căn nhà có giá bạc tỷ là nhờ biển. Do đó, dù cho có thời điểm, việc khai thác hải sản ở Hoàng Sa gặp khó, thế nhưng ngư dân Gành Cả vẫn một lòng bám hòn đảo chủ quyền thiêng liêng – Bãi Cát Vàng mang lại cơm ăn áo mặc cho người dân nhiều đời nay” - ông Vân cho hay.

Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Ngãi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định để thuận lợi cho việc ra khơi khai thác thủy sản

Hiện đại hóa nghề cá

Với bờ biển dài hơn 130 km gồm sáu cửa biển lớn: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lỡ, Mỹ Á, Sa Huỳnh và một huyện đảo, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 5.571 tàu cá với tổng công suất hơn 1,8 triệu CV, bình quân 330 CV/tàu. Trong đó, tàu cá dài hơn 15 m đánh bắt xa bờ là 3.300 tàu, đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang).

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Quảng có những thay đổi rõ rệt. Đó là nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước như Nghị định 67, Nghị định 48 của Chính phủ, đội tàu của địa phương phát triển theo hướng giảm dần các tàu có công suất nhỏ, tăng dần số tàu có công suất lớn. Ngoài ra, ngư dân được hỗ trợ tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác hải sản. Nổi bật là việc ứng dụng máy dò ngang, ra đa hàng hải, hầm bảo quản... trên tàu cá. Trên cơ sở hiệu quả của các trang thiết bị này ngư dân đã tự đầu tư nhân rộng phục vụ mở rộng ngư trường mang về hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, những ngư dân trẻ ở Quảng Ngãi một lòng quyết tâm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cũng theo ông Mười, những quy định chống khai thác IUU đã tạo ra nhiều thử thách cho ngành khai thác thủy sản và ngư dân trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để ngành nhìn lại mình, thực hiện hiệu quả việc xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Thời gian qua, nhiều chủ tàu cá ở Quảng Ngãi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định để thuận lợi cho việc ra khơi khai thác thủy sản. Tuy nhiên số lượng tàu cá của Quảng Ngãi phải lắp đặt thiết bị giám sát lên đến 3.550 chiếc nên vẫn còn phải kéo dài.

“Để chống tình trạng khai thác IUU và phát triển nghề cá bền vững, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng giám sát dữ liệu đánh bắt và vùng biển đánh bắt qua vệ tinh; kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng mà sắp tới tại cảng Mỹ Á và Sa Huỳnh. Bên cạnh đó, cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân hạn chế các nghề không thân thiện với môi trường thông qua việc giảm tỷ lệ tàu hành nghề giã cào xuống còn 25% trong cơ cấu nghề khai thác hải sản”- ông Mười cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO