Quảng Ngãi: Bảo vệ môi trường ở các cảng cá

Võ Hà| 20/10/2022 16:32

(TN&MT) - Hạ tầng cảng cá được xem là động lực quan trọng để phát triển nghề cá bền vững. Để từng bước hiện đại hoá nghề cá, các cảng cá ở Quảng Ngãi rất cần được đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh, trong đó có hệ thống xử lý nước thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có đội tàu lớn ở khu vực miền trung với 4.573 tàu cá, tổng công suất gần 1.800.000 CV, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên (khai thác xa bờ) có 3.261 chiếc. Toàn tỉnh có 5 cảng cá kết hợp khu neo đậu là: Cảng Sa Huỳnh, cảng Mỹ Á (thuộc thị xã Đức Phổ), cảng Tịnh Kỳ, cảng Tịnh Hòa (thuộc thành phố Quảng Ngãi) và cảng Lý Sơn (huyện Lý Sơn).

ca2.jpg
Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá nhưng hầu hết đã xuống cấp do xây dựng lâu ngày

Những năm qua, tình trạng ô nhiễm ở các cảng cá luôn là vấn đề nhức nhối và dai dẳng. Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh đã phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai thực hiện một số biện pháp như thu gom và xử lý nước thải, rác thải của các khu dân cư; kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị kinh doanh chế biến thủy sản; xử phạt các tàu neo đậu gây mất vệ sinh; phát động việc thu gom rác thải khu vực âu thuyền... Tuy nhiên, những giải pháp trên chưa thật triệt để, thiếu hiệu quả, nên tình trạng ô nhiễm vẫn đâu lại vào đó.

Để phát huy hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường ở các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ quan chức năng cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhất là phương tiện phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm phục vụ nhu cầu của ngư dân.

Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Các cảng cá này đầu tư từ năm 2008, nên hệ thống xử lý nước thải là thu gom đưa về khu vực lắng lọc. Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí cảng cá loại II, thì Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải vi sinh tự động và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu phần lớn ô nhiễm môi trường tại các cảng cá.

Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận hạ tầng các cảng cá trong tỉnh hiện nay chỉ đạt khoảng 70% các tiêu chí cảng cá loại II. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để vừa nâng cao hiệu quả công trình, nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân là rất cần thiết. Do đó, mong các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm bố trí ngân sách.

ca3.jpg
Cấp thiết đầu tư hạ tầng cảng cá để từng bước hiện đại hoá nghề cá

Môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá của Ủy ban Châu Âu để quyết định gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Vì vậy, cùng với việc tập trung rà soát, đánh giá thực trạng của các cảng cá trên địa bàn để tích hợp, cập nhật đưa vào quy hoạch chung của tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ tàu có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản, Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến hải sản trong cảng phải thu gom, xử lý sơ bộ nước thải trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải ra môi trường.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng cá của tỉnh, đảm bảo các tiêu chuẩn hoạt động, cũng như xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như thẻ vàng mà EC đưa ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Bảo vệ môi trường ở các cảng cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO