Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng tại xã đảo Tam Hải

30/11/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng sạt lở ở khu vực bờ biển thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ở nhiều vị trí, sóng biển đã đánh vỡ bờ kè lấn sâu vào đất liền, nhiều hộ dân phải bỏ lại nhà cửa để di dời đến nơi khác do tình trạng sạt lở tiến sát vào khu dân cư.

Mất làng, mất đất do nước biển xâm thực

Trước đây, xóm 3, thôn Bình Trung có 70 hộ dân sống quần tụ, đông vui nhưng hiện nay hầu hết các gia đình tại đây đã chuyển đi nơi khác để lại những ngôi nhà hoang. Gia đình ông Võ Minh Công là một trong 6 hộ dân của xóm 3 vẫn đang bám trụ lại, chưa biết sẽ di dời nhà đi đâu. Ông Võ Minh Công (71 tuổi) buồn rầu cho biết: Xóm 3 nằm ở khu vực cửa sông Trường Giang đổ ra biển nên tình trạng sạt lở đã diễn ra từ lâu nhưng năm nay mặc dù không có gió bão lớn, khu vực này vẫn sạt lở rất nhanh làm người dân không kịp trở tay ứng phó. Nước biển hiện nay đang tiến sát vào tận vườn nhà của gia đình.

Cùng với thôn Bình Trung, các thôn Tân Lập, Thuận An cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: Trong vòng 10 năm trở lại đây, nước biển xâm thực sâu vào đất liền ở các thôn trên địa bàn xã Tam Hải hơn 50m. Mấy năm trước, làng Thuận An còn có những hàng dừa và phi lao dọc ven biển, nhưng bây giờ đã bị sóng biển bứng trơ gốc. Trước đây làn sóng nuôi tôm ồ ạt làm biến mất nhiều cánh rừng phi lao chắn gió bão nên mức độ tàn phá của thiên tai nặng nề hơn.

Năm 2012, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có hỗ trợ địa phương xây dựng bờ kè biển dài 1,8 km với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện phần cuối của bờ kè với chiều dài 200m nằm ở thôn Tân Lập đã bị sóng biển đánh sập, cuốn đi những vệt rừng phòng hộ phía bên trong bờ kè của người dân. Đoạn kè bị hư hỏng, sạt lở khiến tình trạng xói mòn, xâm thực bờ biển sâu vào thôn Thuận An, chỗ điểm tiếp giáp của 2 thôn này. Theo quan sát của chúng tôi, một luồng lạch tự nhiên đã được nước biển mở ra, lấn sâu vào đất liền, rộng gần 20m, dài gần 100m.

 Ông Hùng cho biết: Hiện nay, xã đảo Tam Hải có 60 hộ dân đang nằm ở khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng sạt lở cần phải di dời khẩn cấp. Các hộ dân này chủ yếu là những hộ yếu thế nên với mức hỗ trợ di dời 20 triệu đồng/ hộ của tỉnh Quảng Nam rất khó thể giúp người dân làm nhà ở vị trí mới.

Cần giải pháp cấp bách

Xã đảo Tam Hải bị bao bọc bởi 4 bề sông nước, cách trở khiến đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sống chung với sạt lở càng khiến họ điêu đứng hơn. “Rừng phòng hộ đã bị biển phá và rồi sẽ bị vỡ. Nước biển đánh tan tác vào đất liền ngày một sâu, rộng hơn. Tình trạng này không được khắc phục thì chỉ vài năm nữa thôi khu dân cư của chúng tôi cũng bị sóng chiếm nốt” - ông Nguyễn Hộ, thôn Tân Lập nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện đã cử nhiều đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển ở các thôn trên địa bàn xã Tam Hải trong thời gian gần đây. Huyện Núi Thành gửi kiến nghị đến UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai khẩn trương khảo sát, kiểm tra, đánh giá và triển khai giải pháp thiết thực để khắc phục các đoạn sạt lở. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nghiên cứu, gia cố, tránh hư hỏng thêm các đoạn kè khác, tránh sụp đổ liên hoàn.

Trước mắt, chính quyền và người dân xã Tam Hải đã trồng được 17ha rừng ngập mặn chống sạt lở, bên cạnh rừng nguyên sinh ngập mặn xã này đang có là 50ha. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp về lâu dài, còn nhu cầu thực tế, địa phương đang cần đầu tư xây dựng bờ kè dài 4,5km dọc cửa sông Trường Giang và bờ biển nối qua các thôn Bình Trung, Thuận An, Long Thạnh Tây.

“Có làm được bờ kè như vậy kết hợp với việc trồng rừng ngập mặn thì Tam Hải mới mong hạn chế được tình trạng sạt lở. Chúng tôi cũng đã trình bày phương án này với cấp trên rồi và đang chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng”, ông Hùng cho biết.

Bài & ảnh: Lan Anh - Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng tại xã đảo Tam Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO