Biến đổi khí hậu

Quảng Nam: Rừng ngập mặn trăm tuổi chờ được “hồi sinh”

Lan Anh 19/03/2024 22:43

Rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có tuổi đời hàng trăm năm, được người dân xem như “báu vật” của làng biển với hệ sinh thái đa dạng, là “lá phổi xanh” bảo vệ dân làng mỗi lần bão tố. Thế nhưng, gần đây, hàng nghìn cây bị chết dần. Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân, phục hồi kịp thời thì khu rừng quý hiếm này có nguy cơ chỉ còn trong ký ức.

Mất rừng, mất sinh kế

Rừng ngập mặn nguyên sinh ở xã Tam Giang có diện tích khoảng 25 ha sở hữu các loại cây như bần, đước, mắm… có tuổi đời hàng trăm năm, giữ vai trò "lá phổi xanh" ở khu vực phía nam của tỉnh. Cánh rừng này còn được xem là bờ kè chắn sóng kiên cố vào mùa mưa bão, nơi cư trú của nhiều loại hải sản, tạo nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân.

rung-1.jpg
Cả một khu rừng ngập mặn Tam Giang, huyện Núi Thành bị chết la liệt

Theo UBND huyện Núi Thành, năm 2015, địa phương triển khai Dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, một đề tài khoa học cấp bộ triển khai tiểu phần tại xã Tam Giang đã cùng người dân trồng lại một số diện tích rừng ngập mặn.

Nhờ đó, cánh rừng ngập mặn ở địa phương dọc theo tuyến đê qua 4 thôn Đông An, Đông Bình, Đông Xuân và Hòa An, thuộc xã Tam Giang được phục hồi. Tuy nhiên sau một thời gian, số lượng lớn cây trồng ở đây không thích ứng thổ nhưỡng đã chết dần. Cũng từ đó, tôm cá cũng ít dần, ảnh hưởng sinh kế của ngư dân xã Tam Giang.

rung-3.jpg
Nhiều loại cây như: đước, mắm, bần..., có tuổi từ 20 đến 100 năm đã khô cành, trơ trọi.

Ông Phạm Trúc, ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang chia sẻ, cuối năm 2020, sau cơn bão số 9 đã khiến khu rừng ngập mặn dọc ven sông Trường Giang bị chết khô. Từ đó đến nay khu rừng ngập mặn ở đây ngày càng chết nhiều, khiến hệ sinh thái dưới nước như: tôm, cua, ốc ngày ít dần. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương đã trồng mới cây đước, mắm, tuy nhiên tỷ lệ cây sống thấp.

“Ngày trước, tôi cứ dùng ghe nhỏ dùng để mưu sinh bắt thủy sản gần bờ cũng đủ thu nhập qua ngày. Từ khi khu rừng ngập mặn bị chết ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các thuỷ sản dưới nước như: tôm, cua, ốc, cá;… dẫn đến năng suất đánh bắt thuỷ sản thấp hẳn. Bà con rất lo nhưng không có cách nào khôi phục” – ông Trúc lo lắng.

Cùng tâm trạng tiếc nuối như ông Trúc, bà Võ Thị Luật, ở thôn Đông Bình cho biết: “Trước đây, tôi mưu sinh bằng nghề bắt cá, tôm, cua ở khu rừng ngập mặn, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 300 đến 400 ngàn đồng, còn hiện giờ chỉ kiếm được 100 ngàn đồng. Khu rừng được xem như "báu vật" của làng vì nhiều tôm cá, là nguồn sinh kế ổn định cho người dân. Tuy nhiên, rừng chết đi khiến lượng thủy sản suy giảm, nhiều người phải bán ghe, tìm nghề khác mưu sinh.”

“Chờ” được tái sinh

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, từ năm 2020 đến năm 2021, sau đợt mưa bão đã làm hơn 5 ha rừng ngập mặn chết khô. Những năm qua, chính quyền xã cũng có kế hoạch trồng cây lại khu vực này nhưng kinh phí hạn hẹp nên mong muốn các cấp chính quyền quan tâm bố trí nguồn vốn để trồng lại khu rừng ngập mặn ở địa phương.

rung-5.jpg
Rừng ngập mặn bị chết khô, rác từ ngoài biển theo thủy triều vào tấp đầy gốc cây

Bà Lê Thủy Trinh – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Viện Tài nguyên và Môi trường (Viện Công nghệ sinh học) tổ chức khảo sát để đánh giá nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng suy thoái rừng ngập mặn tại xã Tam Giang.

Theo đó, nguyên nhân của hiện tượng cây chết hàng loạt ở rừng ngập mặn Tam Giang được Viện Tài nguyên và Môi trường đưa ra là do có sự thay đổi đồng bộ chất lượng nước hoặc do sự gia tăng bất thường lượng chất hòa tan trong nước, các tác động vật lý trong thời gian dài và liên tục làm thay đổi quá trình hoạt động của hệ thống rễ khí sinh.

rung-4.jpg
Rừng ngập mặn Tam Giang có diện tích gần 30 ha, là nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất của Quảng Nam

Trên cơ sở này, Viện đã đưa ra các giải pháp phục hồi rừng như phân lô và đánh giá hiện trạng tái sinh và tình trạng tái phục hồi theo lô để có cơ sở trồng tái sinh. Không cho người dân khai thác tận thu cây đã bị chết để tránh tình trạng lợi dụng tận thu gây tác động xấu đến hệ sinh vật đang tồn tại và các cây còn sống. Đồng thời, tiến hành trồng bổ sung lại cho rừng tại các khu vực bị trống, bằng các loài cây đã hiện hữu tại rừng ngập mặn.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đối với rừng ngập mặn thì hiện nay nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang phát triển rất tốt, trở thành “lá phổi xanh” để phát triển du lịch sinh thái. Riêng địa bàn huyện Núi Thành, đang trồng các loài cây như đước, bần, mắm nhưng quá trình trồng, thực hiện có một số hạn chế nhất định nên tính bền vững chưa cao.

Gần đây, theo địa phương báo cáo thì khu vực rừng ngập mặn ở xã Tam Giang có hiện tượng chết, suy giảm về diện tích. Về vấn đề này, tỉnh đã giao cho các ngành phối hợp với các đơn vị quan trắc vào đánh giá nguyên nhân để có báo cáo cụ thể do đâu.

hinh8.jpg
Rừng ngập mặn trăm tuổi từng là niềm tự hào của người dân Tam Giang

“Trên cơ sở đánh giá nguyên một cách chính xác, chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp. Trong đó, sẽ phục hồi lại cây đã chết; chuyển đổi sang loại cây trồng khác phù hợp hơn hoặc nếu môi trường khu vực đó có sự thay đổi thì sẽ chuyển đến vị trí khác để trồng. Hiện tỉnh cũng đang chờ kết quả cụ thể, từ đó có những chỉ đạo phù hợp”, ông Thanh nói.

Năm 2024, Quảng Nam đăng cai Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học; cụ thể hóa quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, phát triển kinh tế xanh. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương sẽ phải triển khai nhiều việc, trong đó có việc phục hồi tài nguyên rừng ngập mặn ở Tam Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Rừng ngập mặn trăm tuổi chờ được “hồi sinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO