Quảng Nam: Khai thác cần gắn với bảo vệ nguồn lợi rong mơ

10/07/2017 00:00

(TN&MT) - Rong mơ đang là một trong những nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập khá ổn định đối với người dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc khai thác rong mơ ồ ạt đang khiến cho nguồn lợi này suy giảm, đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật ngụ cư xung quanh.

Nghề khai thác rong mơ mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã đảo Tam Hải
Nghề khai thác rong mơ mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã đảo Tam Hải

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Mới mờ sáng nhưng người dân ở làng chài thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải đã chuẩn bị các ống dây hơi, vật dụng, thúng chài rồi chèo thuyền ra biển lặn hái rong mơ. Mỗi chuyến ra biển hái rong mơ bắt đầu lúc 5 giờ sáng cho đến 13 giờ chiều. Sau khi rong mơ được các người dân lặn hái dưới đáy biển đưa lên chất đầy thuyền, rồi vận chuyển rong mơ vào bờ phơi khô và chờ thương lái đến thu mua.

Đang hái rong mơ ở ngoài biển, ông Trịnh Văn Thảo (43 tuổi), trú thôn Thuận An chia sẻ, ở Quảng Nam chỉ vùng biển này mới có rong mơ, chúng sống ở độ sâu 1-7 m. Ngày trước người dân hái cây non về nấu nước uống. Khi thương lái thu mua, cứ đến mùa ngư dân dừng công việc đánh bắt hải sản chuyển qua khai thác.

Mỗi chuyến ra biển hái rong mơ bắt đầu lúc 5 giờ sáng cho đến 13 giờ chiều
Mỗi chuyến ra biển hái rong mơ bắt đầu lúc 5 giờ sáng cho đến 13 giờ chiều

“Tôi bắt đầu khai thác rong mơ từ tháng 4 đến tháng 7, mỗi lần chèo thuyền ra biển hái rong mờ cách bờ khoảng 700 đến 900 mét mới có thể khai thác rong mơ được. Muốn hái rong mơ cũng không đơn giản, gốc nó nằm sát đáy biển nên tôi lặn xuống sâu 7m so với mặt nước cắt gần gốc mới lấy toàn bộ rong mơ. Trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi hái khoảng gần 3 tạ rong mơ phơi khô, bán với giá 5.500 nghìn đồng/1kg rong mơ khô. Sau khi trừ các khoản chi phí tôi kiếm được 1 triệu đồng mỗi ngày”- ông Thảo chia sẻ.

Ngư dân Trần Minh (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) trước đây hành nghề đánh cá gần bờ. Khoảng gần 1 tháng nay ông cùng con trai chỉ ra biển hái rong mơ làm thu nhập chính. Lao động từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ngày nhiều nhất cha con ông vớt được gần 3 tạ rong, trừ chi phí xăng dầu có thể kiếm về hơn 1 triệu đồng.

Tại Tam Hải có khoảng 100 hộ dân làm nghề hái rong mơ
Tại Tam Hải có khoảng 100 hộ dân làm nghề hái rong mơ

Cây rong mơ không chỉ đem lại thu nhập cho ngư dân đi biển, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác trong vùng đa số là phụ nữ. Chị Huỳnh Thị Phương (48 tuổi), trú thôn Thuận An là nhân công làm rong mơ cho biết: “Những ngày qua, tôi và nhiều chị em trong xã đảo Tam Hải đã có việc làm đi phơi rong mơ khô cho các thương lại, trung bình một ngày tôi kiếm được 200 ngàn đồng. Góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Cấp thiết bảo vệ

Thời gian qua, người dân thôn Thuận An đã thành lập tổ cộng đồng khai thác rong mơ, hoạt động theo mùa vụ từ ngày giữa tháng 5 đến hết tháng 7. Tổ cộng đồng này cũng được hoạt động theo quy chế, không khai thác rong mơ non, chỉ được dùng liềm cắt phần thân rong mơ, chừa lại gốc chứ không được cào cả thân lẫn gốc.

Vì lợi nhuận, không ít người khai thác bừa bãi, thậm chí rong chưa đến 1 gang tay cũng bứt
Vì lợi nhuận, không ít người khai thác bừa bãi, thậm chí rong chưa đến 1 gang tay cũng bứt

Tuy nhiên, theo một người dân ở Tam Hải cho biết, tuy người dân được tuyên truyền khai thác bền vững, nhưng vì lợi nhuận, không ít người khai thác bừa bãi, thậm chí rong chưa đến 1 gang tay cũng bứt. Có thời điểm giá rong mơ tăng lên đến 10 nghìn đồng/kg, người dân ở các địa phương khác kéo đến tham gia làm “nở rộ” phong trào khai thác rong mơ. Việc ồ ạt tận thu rong mơ đã khiến cho quá trình sinh trưởng, phát triển của loài thủy sản này bị đảo lộn, có nguy cơ cạn kiệt.

Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương không khuyến khích người dân khai thác rong mơ nhưng vì mưu sinh của họ nên địa phương đã khuyến cáo khi khai thác rong mơ phải chừa khoảng 20cm phần gốc rong mơ cho các loài hải sản sinh sản và chỉ được khai thác đúng vụ theo hướng dẫn của Chi cục bảo vệ thủy sản tỉnh Quảng Nam. Việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt rất khó vì rong mơ thướng sống ở dưới đáy sâu, địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi này.

Việc khai thác rong mơ cần tuân theo quy định để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học
Việc khai thác rong mơ cần tuân theo quy định để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học

“Mấy năm gần đây, địa phương luôn phát hiện việc khai thác rong mơ trái phép, người dân bứt rong khi nó còn non hoặc chưa đến thời điểm vào mùa vụ. Chúng tôi chỉ mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở, tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn lợi chứ chưa biết có cơ sở nào xử phạt thích đáng”- ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói.

Rong mơ sống bám vào rạn san hô hay các khối đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều loài hải sản như cá, tôm, mực, các loài nhuyễn thể và thân mềm. Việc khai thác rong mơ không hợp lý sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các loài hải sản. Rong mơ mất đi đồng nghĩa với “ngôi nhà” của các loài hải sản không còn. Khi môi trường sống thay đổi thì các loài thủy sinh chết đi hoặc di chuyển đến vùng nước khác sinh sống. Điều này là mối nguy rất lớn đến sự tồn vong của đa dạng các loài san hô bố trí dày đặc ở các vùng ven biển Bàn Than. Do vậy, tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương tuần tra, phát hiện và xử phạt, răn đe các hành vi khai thác rong mơ trái phép cũng như có dự án khôi phục rong mơ, để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học.

Bài, ảnh:Lan Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Khai thác cần gắn với bảo vệ nguồn lợi rong mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO