Tạo sinh kế để giữ rừng
Nhiều năm nay, bà con ở xã Ga Ry, huyện Tây Giang không còn phải đi rừng để kiếm thu nhập từ các hoạt động khai thác và buôn bán lâm đặc sản. Chị Coor Thị Ích - Tổ trưởng sản xuất Tổ hợp tác dược liệu xã Ga Ry (huyện Tây Giang) cho biết, “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, dù núi rừng bao la, rộng lớn nhưng nghề đi rừng bao nhiêu năm nay chẳng giúp cho cuộc sống của bà con trở nên khấm khá hơn. Giải pháp đến với bà con từ khi tham gia tổ hợp tác xã dược liệu Ga Ry do Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với địa phương triển khai.
Dự án Trường Sơn Xanh khơi dậy, định hình việc sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống theo chuỗi. |
Tham gia vào tổ hợp tác, các chị được cán bộ hướng dẫn cách lựa chọn giống, trồng, chế biến các loại dược liệu như ba kích, đảng sâm bảo đảm chất lượng và thu về với giá trị cao. Từ đó, thu nhập hằng tháng của bà con trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống, không còn phụ thuộc vào rừng như trước đây.
“Đến nay 2 tổ hợp tác của mình đã có 80 chị em tham gia vào. Nếu trước đây chỉ bán dược liệu được 10 triệu/1 năm thì nay một số hộ đã bán được 70-80 triệu/năm, đời sống của bà con đã thay đổi vượt bậc. Cây đảng sâm đã trở thành cây chủ lực của bà con Cơ Tu.”- chị Coor Thị Ích chia sẻ.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch VietCraft, chương trình thuộc Tiểu dự án nhằm cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mây tre đan và cây dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, nhằm nâng cao nhận thức của người dân sống phụ thuộc vào núi rừng, giảm dần áp lực của con người lên tài nguyên rừng. Hiện VietCraft cùng một số tổ chức đang hỗ trợ cho hơn 2.500 người đồng bào dân tộc Cơ Tu, không chỉ giữ gìn và phát triển nghề đan lát truyền thống mà còn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Những người già cũng có thể tạo ra thu nhập với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh. |
Nhân rộng để quản lý rừng bền vững
Từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác với Quảng Nam, USAID đã đồng ý tài trợ triển khai dự án Trường Sơn xanh với mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ tỉnh chuyển đổi phát triển rừng thích ứng với khí hậu, giảm phát thải và tăng cường khả năng phục hồi nhằm bảo vệ con người, cảnh quan và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trong 4 năm (2018 - 2021). Dự án triển khai tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc và TP.Hội An.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án Trường Sơn xanh đã góp phần không nhỏ mang lại một diện mạo mới cho vùng cao Quảng Nam. Qua thống kê, dự án đã giúp giảm thiểu 7,49 triệu tấn CO2, hỗ trợ 24 cơ quan được nâng cao năng lực về cảnh quan bền vững; có 9.103 người hưởng lợi về sinh kế và 8.120 người được cải thiện thu nhập; đã có 35 triệu USD được huy động cho các hoạt động cảnh quan bền vững, cùng với 337 nghìn héc ta rừng được cải thiện về quản lý tài nguyên.
Nhiều loại dược liệu của đồng bào vùng cao được nhiều người biết đến với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh |
Thông qua dự án Trường Sơn xanh, các chuỗi giá trị tiềm năng như trồng rừng gỗ lớn, dược liệu, mây đã được định hình, phát triển, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, tạo được mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất.
Rút kinh nghiệm từ sự thành công bước đầu của dự án, phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục khuyến khích áp dụng để hỗ trợ sinh kế cho người dân từ các nguồn vốn khác nhau. Sở NN&PT-NT cũng đang phối hợp với các ngành tham mưu đề án kinh doanh tín chỉ các bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây hứa hẹn là nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững trong giai đoạn 2020 - 2030.
“Để đảm bảo tính bền vững của dự án, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo và yêu cầu các Sở, ngành và địa phương liên quan tâm trung nguồn lực từ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để tiếp tục hỗ trợ, duy trì và nhân rộng các mô hình sau khi dự án kết thúc. Các địa phương cần phải tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và hỗ trợ cộng đồng thực hiện tốt cam kết phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”- ông Lê Trí Thanh cho hay.