Môi trường

Sơn La: Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

Nguyễn Nga 30/10/2024 - 18:08

(TN&MT) - Thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT Sơn La đã tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Sơn La hiện có 18 di sản thiên nhiên đã được xác lập công nhận theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và di sản văn hóa trước thời điểm Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 10/01/2022.

img_2985.jpeg
5 Ban quản lý rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, nhận thức rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, từ năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên, các quy định mới về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đến các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quá trình thẩm định thủ tục hành chính yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm đến các yếu tố đa dạng sinh học, đề xuất biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án đến đa dạng sinh học và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Cùng với đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến nay, 5 Ban quản lý rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh gồm Xuân Nha, Tà Xùa, Sốp Cộp, Mường La và Thuận Châu đã tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định. Hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Thông qua triển khai các hoạt động, bước đầu đã tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh gắn với bảo vệ môi trường. Phát huy sự tham gia của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO