Quảng Nam: Chủ động lồng ghép mục tiêu BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế

Lan Anh (thực hiện)| 21/01/2021 09:42

(TN&MT) - Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Quảng Nam đã thiết lập “lá chắn xanh”, lồng ghép mục tiêu BĐKH vào Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực ứng phó từ cộng đồng... PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về những giải pháp bền vững, lâu dài ứng phó BĐKH và phát triển kinh tế bền vững.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

PV: Thưa bà, trong những năm qua, BĐKH đã tác động, ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế - xã hội của địa phương?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh:

 Hàng năm, tỉnh Quảng Nam phải gánh chịu nhiều tổn thất lớn do BĐKH gây ra. Đặc biệt trong năm 2020, do sự tác động của BĐKH nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ở tỉnh Quảng Nam cũng có sự biến đổi khá lớn như: nhiệt độ cao nhất là 390C, nhiệt độ lạnh nhất là 150C; tổng lượng mưa năm là tại trạm khí tượng Trà My là 5.523 mm và Tam Kỳ là 3.379 mm; có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam gây mưa lớn, ngập lụt diện rộng và 5 vụ sạt lở đất tại Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn làm thiệt hại nghiêm trọng về người và nhà ở.

Thiên tai trong năm 2020 đã làm cho 46 người chết, 17 người mất tích, 360 người bị thương; 5.151 ngôi nhà bị thiệt hại nặng đến hư hỏng hoàn toàn; 1.702 ha lúa và 5.639 ha hoa màu bị ngã đổ, ngập úng, hư hại; 559 ha đất sản xuất bị xói lở vùi lấp; 321.455 con gia cầm, gia súc bị chết; 462 ha ao nuôi tôm, cá bị thiệt hại, nhiều công trình hạ tầng giao thông, lưới điện, bờ sông bờ kè bị sạt lở,... ước tính tổng thiệt hại là 11.000 tỷ đồng.

PV: Để giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH gây ra, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã có những giải pháp nào để ứng phó hiệu quả với BĐKH và giúp cho người dân phát triển kinh tế - xã hội bền vững?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh:

Hiện nay, công tác ứng phó với BĐKH đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, Sở TN&MT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về công tác này.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2020, chúng tôi đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính như trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phòng chống lũ, sạt lở đất gia tăng trong bối cảnh BĐKH, bảo vệ dân cư một số khu vực trọng điểm thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An từ Chùa Cầu đến Cầu Cẩm Nam, thành phố Hội An; Trồng và phục hồi dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sinh thái cộng đồng xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An; Xây dựng Hồ chứa nước Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn; Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn trên sông Cổ Cò thành phố Hội An... Ngoài ra, các tổ chức phi Chính phủ đã thực hiện các dự án như: Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển...

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 38 dự án đầu tư xây công trình với tổng kinh phí là hơn 8.000 tỷ đồng và 6 dự án phi công trình bao gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức, các chương trình, kế hoạch hành động và nghiên cứu các mô hình thí điểm ứng phó với thiên tai và BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) được xem là mô hình thích ứng BĐKH hiệu quả

PV: Thưa bà, trong Kế hoạch lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH vào chiến lược phát triển kinh tế 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh Quảng Nam sẽ có những nội dung quan trọng nào?

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ tình hình thực tế của tỉnh và những diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết do tác động của BĐKH, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về BĐKH, tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương để thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào Quy hoạch, Kế hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro thiên tai gây ra; đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro do BĐKH và bảo vệ môi trường.

Hai là, xây dựng hệ thống giám sát mặn trên sông, công trình ngăn mặn; Trồng rừng đầu nguồn, xây dựng hệ thống tưới tiêu thích ứng với BĐKH, nâng cấp công trình thủy lợi và trạm bơm, kè bờ sông và nạo vét lòng sông,... Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, xây dựng và củng cố đê biển, kè biển; nhà đa năng, nhà cộng đồng tránh bão, đường tránh lũ,... chú ý khi đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phải tính đến tác động của các kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Ba là, nghiên cứu đánh giá tác động của nước biển dâng, xây dựng bản đồ tính dễ bị tổn thương; Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh về BĐKH. Hướng dẫn cộng đồng dân cư về tác động của BĐKH và cách thích ứng. Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trong trường học,…

Bốn là, thực hiện đánh giá BĐKH, kiểm kê khí nhà kính; tiếp tục cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh theo chu kỳ 5 năm. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu sự tác động của BĐKH và thiên tai xảy ra.

Năm là, tăng cường năng lực giám sát BĐKH, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan, nhằm sẵn sàng ứng phó với các hiểm họa do BĐKH.

Sáu là, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng, thích ứng với BĐKH, chuyển đổi giống cây tròng phù hợp với khả năng chống chịu do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Chủ động lồng ghép mục tiêu BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO