Cá chết bất thường trên sông Bàn Thạch (TP. Tam Kỳ) vào cuối tháng 2 vừa qua |
Theo kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Quảng Nam thời gian gần đây, nguồn nước ở các ao, hồ điều hòa tại TP. Tam Kỳ gồm: hồ Duy Tân, Nguyễn Du và hồ Ngã Ba nguồn nước đều bị ô nhiễm. Trong đó hồ Nguyễn Du nặng nhất, môi trường nước có tính kiềm mạnh, ô nhiễm chất hữu cơ, amoni, phốt phát, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi sinh coliform. Mức độ ô nhiễm của hồ Nguyễn Du cao nhất là từ tháng 1-9 trong năm. Điều đáng lo ngại là mức độ ô nhiễm không có dấu hiệu giảm so với các năm trước. Hiện nay, các hồ Ngã Ba và hồ Duy Tân có thể dùng để tưới tiêu nhưng không thể dùng để sinh hoạt, nguồn nước tại 2 hồ này bị ô nhiễm chất hữu cơ, dẫu mỡ… nhưng nhẹ hơn so với hồ Nguyễn Du.
Theo ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do các hồ tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nước thải các bệnh viện chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Qua đợt quan trắc gần nhất, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tiếp tục khẳng định cả 3 hồ điều hòa đều ô nhiễm với các thông số vượt quy chuẩn nhiều lần cho phép. Điều đáng lo ngại là nguồn nước từ các hồ này đều đổ trực tiếp ra các sông trên địa bàn Tam Kỳ khiến cho các con sông cũng bị bức tử theo. Các kết quả quan trắc cho thấy, sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ đang bị ô nhiễm và đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Cá chết nổi trắng hồ điều hòa Nguyễn Du (TP. Tam Kỳ) vào tháng 6 năm 2016 nguyên nhân do nước hồ này bị ô nhiễm nặng |
Ông Dương Văn Chí - Trưởng phòng TN&MT TP. Tam Kỳ cho biết: Sông Bàn Thạch chảy qua các phường Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, An Phú (TP. Tam Kỳ) thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô, sản sinh ra bèo lục bình làm tắc dòng chảy. Bên cạnh đó, việc xả rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân tại một số địa điểm như phía sau chợ Tam Kỳ, khu dân cư Cồn Thị (phường Phước Hòa), dưới chân cầu Kỳ Phú 1 (phường Hòa Hương) gây ô nhiễm nguồn nước sông. Khu vực cầu này có nhiều hộ dân buôn bán, vừa vứt rác vừa đổ nước thải xuống sông. Rác thải ứ đọng lại dưới sông nên nhân viên môi trường không thu gom được, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành khảo sát lại toàn bộ hệ thống sông, hồ trên địa bàn có nguy cơ ô nhiễm môi trường để có giải pháp kiểm tra, quan trắc thường xuyên và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, ngăn chặn các hành vi xả thải ra sông, hồ.
Lồng bè nuôi cá nằm sát nhau ở sông Tam Kỳ đoạn phường An Sơn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông |
Qua tìm hiểu của phóng viên, Tại khu vực Sông Đầm, người dân tại thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú) cũng đã kiến nghị tới chính quyền địa phương về việc nước Sông Đầm bị ô nhiễm, nguồn nước tưới không bảo đảm khiến cây lúa kém phát triển. Người dân ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) thì cho rằng nước Sông Đầm gây ra dị ứng, ngứa da khi tiếp xúc với nước. Tại buổi tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh với các xã vùng đông Tam Kỳ mới đây, nhiều cử tri đã phản ánh, Sông Đầm chỉ có đường nước vào mà không có đường nước ra, do vậy nguồn nước ứ đọng dễ bị ô nhiễm.
Được biết, chính quyền TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) hiện đã có kế hoạch nạo vét và khơi thông dòng chảy sông Đầm trong thời gian tới để tránh tình trạng nước tù đọng gây ô nhiễm. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải trước khi thải ra các sông, hồ.
Dương Bùi