Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí; triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tần suất và vị trí quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc chất lượng môi trường hàng năm. Công khai kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và phương tiện truyền thông của tỉnh. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí có hại cho sức khoẻ thì kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh. Đôn đốc và giám sát chặt chẽ các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu để quản lý theo quy định pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp xả khí thải, bụi vượt quy chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường.
Cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông, trong đó chú trọng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất trong các khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện chương trình quan trắc môi trường không khí định kỳ theo quy định; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở sản xuất có hành vi xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường tần suất và vị trí quan trắc môi trường không khí tại khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong chương trình quan trắc chất lượng môi trường hàng năm; cập nhật, lưu giữ và báo cáo số liệu quan trắc môi trường không khí về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, quản lý.
Sở Tài chính căn cứ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường được giao của các cơ quan, đơn vị liên quan, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách địa phương, tham mưu báo cáo UBND tỉnh phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đính khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.