Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh
Sáng 24/12, tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường của 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lãnh đạo một số tổ chức, công ty nông, lâm nghiệp.
Hội nghị về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, phân tích và đánh giá toàn diện tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường đã bàn giao cho địa phương quản lý hoặc giữ lại giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng, phát triển sản xuất.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết triệt để phần diện tích mà các nông, lâm trường bàn giao về địa phương, quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung, tách ra khỏi diện tích đất đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sự dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-CP ngày 7/1/2020.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP” nhằm đánh giá hiệu quả của diện tích đất nông, lâm trường quốc doanh giữ lại, giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, tham gia Đề án, dự án trên, ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường có các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành có liên quan và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích đất nông, lâm trường. Đến nay, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành có liên quan và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các đối tượng quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh.
Cụ thể, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức sự nghiệp có tên gọi khác thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp gồm 87 đơn vị quản lý rừng đặc dụng, 194 Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị sự nghiệp. Các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức có tên gọi khác hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, thực hiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trừ các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP gồm 94 Công ty, Trung tâm, Tổng đội thanh niên xung phong, công ty thuộc Bộ Quốc phòng.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố có đất nông, lâm trường, kết quả sau 4 năm thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, có 28/52 tỉnh xây dựng và phê duyệt Đề án, trong đó có 14 tỉnh xây dựng và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán để thực hiện việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Có 256 công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, xử lý các vấn đề đất đai gắn với sắp xếp lại tổ chức, kết quả chung đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá và sơ kết 5 năm thực hiện, Trung ương đã có Kết luận số 82-KL/TW, theo đó chỉ còn một số vấn đề về sắp xếp tổ chức cần tiếp tục rà soát triển khai để hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp; đã thực hiện nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp; giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống.
“Đây là kết quả của sự phối hợp rất chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, tinh thần, làm việc nghiêm túc của các cơ quan Trung ương, địa phương và người lao động trong toàn thể hệ thống chính trị. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả nguồn lực đất nông, lâm trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 4 công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và 9 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, tỉnh Quảng Bình cơ bản đã hoàn thành công tác rà soát ranh giới sử dụng đất; đo đạc lập bản đồ địa chính; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất giữ lại của các Công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng, với tổng diện tích là 391.717,15 ha; diện tích đất đã bàn giao về cho các địa phương quản lý 15.471,18 ha.
Sau khi rà soát, sắp xếp lại, việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai và kiến nghị, khiếu nại của người dân cơ bản không còn, toàn bộ diện tích đất giữ lại đã được các công ty đưa vào tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với phần diện tích bàn giao về cho địa phương vẫn còn chậm. Mặt khác, nếu thực hiện bồi thường tài sản trên đất cho người đang sử dụng thì người dân không đồng ý, do đó địa phương vẫn còn vướng mắc trong việc xây dựng phương án giao đất cho người dân.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, cũng như nâng cao hiệu quả về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 cho các các công ty nông, lâm nghiệp và người dân biết để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng.
Đối với diện tích đất bàn giao về địa phương, đề nghị UBND cấp huyện tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả; thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sản xuất, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ sống gần rừng nhưng thiếu đất để sản xuất. UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật để quản lý theo quy định của pháp luật, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Đất đai.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe: Báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giới thiệu Kết luận số 30-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; giới thiệu các quy định của pháp luật đất đai 2024 đối với đất nông, lâm trường…; thảo luận và giải đáp các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.