Quảng Bình: Xây dựng đô thị sinh thái thích ứng BĐKH

Thanh Tùng| 21/03/2023 09:49

(TN&MT) - Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) là một trong các khu vực dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai cực đoan.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đang tích cực thí điểm nhiều mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái cho khu vực đô thị giúp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thích ứng dựa vào hệ sinh thái

Quảng Bình là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Hằng năm, các trận bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc đã gây nên những trận mưa lớn, hình thành các đợt lũ gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Theo thống kê, từ năm 2010 đến đầu năm 2022, Quảng Bình hứng chịu 16 cơn bão, 32 đợt lũ, lụt. Ảnh hưởng của thiên tai đã làm trên 160 người chết, trên 550.000 lượt nhà bị ngập; tổng giá trị thiệt hại trong hơn 10 năm lên đến trên 8.000 tỷ đồng.

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, TP. Đồng Hới được đánh giá là khu vực rất dễ bị tổn thương trước BĐKH bởi nhiều yếu tố như đặc điểm địa hình, vị trí địa lý, các mô hình tài sản kinh tế phức tạp, áp lực từ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng.

anh-2(1).jpg
Mảng xanh đứng và vườn trên mái tại tòa nhà Ban quản lý Dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới.

Những năm gần đây, thành phố phải đối mặt với những trận lũ nghiêm trọng chưa từng có do bão và mưa lớn bất ngờ. Ngược lại, vào mùa khô, mực nước lại xuống thấp đáng báo động, gây ra tình trạng thiếu nước. Đô thị hóa ngày càng tăng kết hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng được xây dựng theo phương pháp truyền thống khiến thành phố dễ bị tổn thương trước tác động của khí hậu.

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” do tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) tài trợ, được thực hiện bởi Bộ TN&MT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 3/4/2019. Dự án nhằm tăng cường năng lực, xây dựng, rà soát, cập nhật và triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris. Thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Quảng Bình.

Bà Nguyễn Thị Bích Lành - Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT Quảng Bình) cho biết, Dự án đã tổ chức xây dựng một số sáng kiến nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia. Tăng cường điều phối các dự án trong khuôn khổ sáng kiến khí hậu toàn cầu tại Việt Nam. Tại TP. Đồng Hới, dự án bắt tay triển khai thực tế 3 mô hình, gồm: Thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Công viên sông Cầu Rào; Mảng xanh tòa nhà Ban quản lý dịch vụ công ích TP. Đồng Hới và Mô hình thí điểm thoát nước đô thị bền vững tại Hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị - Lý Thường Kiệt.

Các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị tại TP. Đồng Hới góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh tác động của BĐKH. Cách tiếp cận các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị trên là hình dung lại và thiết kế lại thành phố nhằm đảm bảo chức năng như những cánh rừng, để nước có thể thẩm thấu ngược trở lại mặt đất; và xử lý nước mưa bằng các cách thức truyền thống, giúp giải quyết được vấn đề nước mưa của cả khu vực.

Ba giải pháp hữu ích

Sau quá trình đánh giá toàn diện về kỹ thuật, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và 9 tháng thi công (từ tháng 3 đến tháng 11/2022), 3 công trình thí điểm của mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái cho khu vực đô thị trên địa bàn TP. Đồng Hới đã hoàn thành, bắt đầu đưa vào sử dụng.

Theo đó, khu vực cảnh quan trữ nước công viên sông Cầu Rào (phường Đồng Phú) có diện tích 4,9ha, dung tích chứa nước 4.000m3 và đối tượng hưởng lợi là 29.000 người. Các hạng mục xây dựng chính của công trình gồm sân chơi ngoài trời đa năng theo mùa; mương lọc sinh học và dẫn thấm tự nhiên; cây xanh, đường dạo; các hạng mục phụ trợ khác như: thoát nước, cấp nước, cấp điện và các trang thiết bị thiết yếu khác…

anh-1-1-.jpg

Khu vực triển khai công trình thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Công viên sông Cầu Rào. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Nguyễn Thị Bích Lành cho biết, mô hình dự kiến góp phần giảm nguy cơ ngập lụt đô thị và cải thiện cảnh báo sớm tại TP. Đồng Hới. Công trình sử dụng các giải pháp cảnh quan sinh thái và vật liệu thẩm thấu, bề mặt mương tự thấm, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên giữa lòng thành phố nhằm tăng khả năng thẩm thấu nước, tăng đa dạng sinh học phù hợp quan điểm thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái. Một ưu thế khác là chi phí đầu tư xây dựng rất thấp so với lợi ích mà công trình mang lại.

Công trình thứ 2 là Mảng xanh đứng và vườn trên mái tại tòa nhà Ban quản lý Dịch vụ công ích TP. Đồng Hới có diện tích 545m2 mảng tường xanh, 362m2 vườn trên mái và 50m3 bể chứa nước mưa. Lợi ích mang lại là giúp cách nhiệt hiệu quả cho công trình, giảm tiêu thụ năng lượng điện; tái sử dụng nước mưa, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực hệ thống thoát nước đô thị; tạo lập cảnh quan đô thị sinh thái, trở thành điểm nhấn; module cung cấp lượng nước đủ cho cây trồng với chu kỳ tưới tối thiểu 48h; tiết kiệm tối đa lượng nước tưới, thu gom lượng nước thừa và hiệu quả sử dụng nước tưới đạt tối thiểu 95%...

Công trình thứ 3 là Mô hình hệ thống thoát nước đô thị bền vững tại Hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị - Lý Thường Kiệt có diện tích 352m2, dung tích chứa nước mưa 150m3 và diện tích cải tạo kết cấu vỉa hè tự thấm 74,86m2. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lành, khi áp dụng mô hình, công trình sẽ tăng cường khả năng kiểm soát nguồn nước mưa, khả năng chứa nước bằng bể chứa ngầm; giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và rủi ro ngập úng cục bộ, tắc nghẽn giao thông do ngập lụt. Công trình cũng giúp bổ sung nguồn nước ngầm; tăng tiện nghi của không gian công cộng và tạo không gian giáo dục về thích ứng BĐKH dự vào hệ sinh thái.

Theo ông Phạm Văn Lương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, từ nhiều năm nay, Quảng Bình cùng với các tỉnh duyên hải miền Trung, với đường bờ biển dài, thường xuyên phải đối mặt với các hình thái khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng gây thiệt hại không nhỏ tới tính mạng, tài sản của người dân. Đánh giá về hiệu quả của 3 công trình trên, ông Lương cho rằng: “Cả 3 công trình đều mang đến những giải pháp thích hợp với khu vực Quảng Bình chịu nhiều tác động của nắng, gió. Tôi hy vọng không chỉ ở đô thị Đồng Hới mà các địa bàn xung quanh có thể triển khai tương tự".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Xây dựng đô thị sinh thái thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO