Biến đổi khí hậu

Quảng Bình: Hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2025- 2030

Thanh Tùng 22/11/2023 - 11:26

Sáng 22/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình phối hợp với Tổ chức WWF- Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương và thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) để cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện cơ quan Trung ương về BĐKH; đại diện Tổ chức WWF- Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam. Do vị trí địa lý, đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của BĐKH, Quảng Bình là một trong các tỉnh thường chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn nhất trong cả trong nước.

img_1770.jpg
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Để chủ động phòng tránh với thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, nhiều văn bản liên quan đến ứng phó BĐKH đã được tỉnh Quảng Bình ban hành kịp thời. Điển hình như Kế hoạch để triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP 26; Kế hoạch về hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, còn có các công văn của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH; việc triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng tổ chức không gian; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực, mà còn tạo ra khung pháp lý để định hướng và hoạch định các chính sách phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Phạm Văn Lương, Quảng Bình luôn là tỉnh tích cực chủ động tham gia và đề xuất các hoạt động, nhiệm vụ, dự án ứng phó với BĐKH. Vì vậy, để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; ngày 26/12/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

img_1807.jpg
Quảng cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Tiếp đó, ngày 7/8/2023, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Công văn số 1566/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2050 từ đầu năm 2024.

“Nhiệm vụ sẽ rà soát đánh giá Kế hoạch hành động đã ban hành năm 2020; cập nhật theo phiên bản mới nhất của Kịch bản BĐKH năm 2020; cập nhật Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện NDC của Việt Nam cập nhật năm 2022; đồng thời bám sát các văn bản quốc gia mới ban hành từ sau năm 2020 và cập nhật phần đánh giá các tác động của BĐKH đến toàn tỉnh từ sau năm 2020”, ông Phạm Văn Lương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án - Chương trình thành phố xanh Quốc gia OPCC (WWF-Việt Nam) nhấn mạnh, BĐKH đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với tất cả các kịch bản dự đoán. BĐKH là mối đe dọa toàn diện đối với sức khỏe, an ninh lương thực cho hàng tỷ người và nền kinh tế toàn cầu. Bão lũ, lốc xoáy, hạn hán và mực nước biển dâng cao là những dấu hiệu rõ ràng về những gì nhân loại đang phải đối mặt.

img_1803.jpg
Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án - Chương trình thành phố xanh Quốc gia OPCC phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

WWF-Việt Nam được thành lập với sứ mệnh ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam và xây dựng một tương lai phát triển bền vững, trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu này, WWF cùng các địa phương thúc đẩy mục tiêu ứng phó BĐKH hướng đến phát thải ròng bằng không. Trong đó Chương trình thành phố Xanh, gọi tắt là OPCC là một trong những chương trình toàn cầu của WWF hướng đến mục tiêu này.

Theo ông Vũ Quốc Anh, trong năm 2023, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ 3 tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và 2 thành phố Cần Thơ và Tam Kỳ phân tích thông tin, tính toán kiểm kê phát thải khí nhà kính, WWF-Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Bình tổ chức tham vấn tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH nhằm cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong bối cảnh mới về cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ của Chính phủ tại COP26 vào năm 2021.

Từ việc cập nhật này, WWF-Việt Nam mong muốn hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình xác định được các mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ cùng với kế hoạch hoạt động cụ thể, khả thi để nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH cũng như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon từ rừng và đại dương, đóng góp hiệu quả cho NDC và cam kết quốc gia về phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình và các chuyên gia trình bày đánh giá tác động, tính dễ tổn thương và thiệt hại do BĐKH; Dự kiến kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2025 – 2030, định hướng 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; thảo luận về tác động và khung kế hoạch; Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án xanh, thích ứng BĐKH và tiếp cận tín dụng xanh của IFC. Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận về các nội dung cụ thể trong dự thảo kế hoạch hành động.

Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025 - 2030, định hướng 2050 với mục tiêu chung là: Điều tra, đánh giá kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Bình đã ban hành và đề xuất cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH cho tỉnh; hỗ trợ tỉnh phát triển bền vững; phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do BĐKH đem lại và bảo vệ cuộc sống của nhân dân.


Các giải pháp thực hiện gồm: 1 - Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH; phát triển hệ thống giám sát BĐKH và dự báo, cảnh báo thiên tai; 2 - Chủ động thích ứng với BĐKH trong giai đoạn mới; 3 - Tích cực giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng.


Về tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiết về ứng phó với BĐKH. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính xây dựng cơ chế điều phối, giám sát, đánh giá thực hiện cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đánh giá định kỳ và sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2025- 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO