Quản lý rác thải: Ba bên cùng hành động

Tuyết Chinh| 14/11/2019 09:42

(TN&MT) - Để giữ gìn thành phố sạch cũng như quản lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa cần có sự phối hợp hành động của 3 bên “chính quyền - người dân - doanh nghiệp”; cùng với đó, xây dựng một hệ thống tái chế và quản lý rác thải bền vững.

Rác thải nhựa vẫn là “bài toán khó”

Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, mỗi ngày, trên địa bàn TP. Hà Nội thải ra khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, lượng rác thải nhựa lên đến xấp xỉ 18% (khảo sát tại thời điểm năm 2018 - 2019); trong khi, tỷ lệ này chỉ khoảng 12% (thời điểm năm 2000). Điều này cho thấy, tỷ lệ nhựa được sử dụng trong rác thải sinh hoạt ngày càng tăng.

Nhiều làng nghề tái chế rác thải nhựa ở Hà Nội trở thành nguồn gây ô nhiễm thứ cấp. Ảnh: MH

Dưới góc độ của một doanh nghiệp thu gom, quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, ông Đức chia sẻ, điều trăn trở nhất của đơn vị là những điểm “vướng” từ khâu thu gom cho đến xử lý rác thải, trong đó, có rác thải nhựa. Đơn vị thu gom chỉ mong thu nhanh, thu sạch, người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; song thực tế, người dân đang bỏ rác liên tục trong 24 giờ/ngày khiến việc thu gom gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc phân loại rác tại nguồn gần như mới dừng ở mức “phong trào”. Vấn đề phân loại rồi tái chế nhựa cũng được coi là “tự phát”. “Thường chỉ có các mẹ, các chị tiết kiệm thường thu gom vỏ chai nhựa, dép nhựa... để bán cho đồng nát”, ông Đức dẫn chứng.

Thực tế hiện nay cho thấy, trên địa bàn thành phố có một đội ngũ thường xuyên đi bới, lượm rác tại những điểm tập kết trong nội đô. Sau đó, họ rửa, gom lại và bán cho các làng nghề. Mặc dù có tái chế, song hoạt động này đang tự phát và trở thành nguồn gây ô nhiễm thứ cấp.

Bên cạnh đó, công nghệ xử lý rác hiện cũng gây ra nhiều khó khăn khi chủ yếu rác thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Trong 7.500 tấn rác thải ra mỗi ngày chỉ có 500 tấn xử lý bằng công nghệ đốt và ủ phân compost.

Thiết lập hệ thống quản lý bền vững

Theo ông Đức, để giữ gìn thành phố sạch, cũng như quản lý rác thải cần có sự phối hợp của 3 bộ phận: Chính quyền, người dân và các doanh nghiệp. Nếu không có sự phối hợp này, chắc chắn câu chuyện rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa còn là vấn đề hóc búa.

Đặc biệt, chúng ta cần thiết lập hệ thống có sự kiểm soát, phân loại rác tại nguồn cùng với đầu tư về công nghệ. “Chúng ta kêu gọi người dân phân loại rác tại nguồn, nhưng thành phố không đầu tư hệ thống xử lý rác cuối cùng, những rác phân loại khi ra bãi rác lại hình thành một loại rác khác. Điều này vừa không mang lại hiệu quả trong thu gom, xử lý, thậm chí gây hiệu ứng ngược. Do vậy, cần xây dựng một hệ thống tái chế và quản lý rác thải một cách bền vững”, ông Đức phân tích.

Hiện nay, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, dự kiến từ năm 2020 sẽ tiến hành công tác quản lý rác thải tại nguồn, trong đó có việc phân loại, quản lý, xử phạt liên quan đến rác thải của quận Hoàn Kiếm. Khi tiến hành phân loại tùy theo tình hình thực tế, đơn vị sẽ có những giai đoạn và lộ trình phân loại phù hợp. Trước mắt là thực hiện đối với chất thải hữu cơ và chất thải tái chế.

Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu thuộc 3 ngành chính là: nhựa kỹ thuật (với các sản phẩm là phụ tùng, linh kiện…); nhựa gia dụng (thau, cốc, tủ, giường, kệ…); nhựa bao bì dùng trong sản xuất bao bì (túi ni lông PE, chai nhựa PET…).

“Tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của nước ta đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Đáng lo ngại là người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày; việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là ni lông tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn”.

Bà Lưu Thị Thanh Chi Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội

Trong đó, chỉ tính riêng nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố, chủ yếu dùng để bao gói thực phẩm. Mặc dù, chưa có số liệu thống kê chính thức về rác thải túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa trong phân phối tiêu dùng nhưng với số lượng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ rất lớn… lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa dạng này chắc chắn không nhỏ.

“Cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với ngành nhựa, trước tiên đầu vào của những doanh nghiệp sản xuất nhựa phải được kiểm soát”, ông Đức kiến nghị.

Theo Quản lý chất thải rắn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý rác thải: Ba bên cùng hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO