2019 vượt qua khó khăn đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển
Liên quan đến những ý kiến chất vấn về ngành năng lượng, điện lực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: chúng ta đều biết, điện lực có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương sáng 7/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Phó thủ tướng cho biết, trong những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Điện (trong đó cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước (nòng cốt là EVN) cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực cố gắng để đầu tư phát triển và quản lý hệ thống điện. Từ đó, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH.
Năm 2019, dự kiến điện năng sản xuất được đạt khoảng 240 tỷ kWh, tăng trên 10% so với năm 2018.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình rằng, việc phát triển hệ thống điện đang gặp nhiều khó khăn như nhiều ĐBQH đã nêu, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là rất cao.
Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn như hiện nay.
Trong đó, khó khăn đầu tiên cần tháo gỡ là cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi nhanh chóng (so với Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh) dẫn đến trong thời gian qua và sắp tới phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để bổ sung thêm các nguồn điện mới bù đắp cho các nguồn điện bị thiếu hụt trong sơ đồ điều chỉnh.
Quốc hội đã quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Việc đầu tư các dự án nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do có những quan ngại về ô nhiễm môi trường;
Nhiều dự án lớn chậm tiến độ (cụ thể trong số 60 dự án có công suất từ 200 MW trở lên thì có đến 35 dự án chậm tiến độ từ 1 năm trở lên với công suất khoảng 39.000 MW; sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2023; Nguồn thủy điện có nhiều ưu điển thì đã khai thác cơ bản hết công suất (khoảng 20.000 MW)
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhằm tăng thêm nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn điện.
Chỉ sau gần 2 năm, đến tháng 6/2019, ngành điện đã bổ sung được 4500MW điện mặt trời và gần 400MW điện gió. Đây là nguồn điện tái tạo có nhiều ưu việt như: không ô nhiễm môi trường, không bị lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Do đó, giá điện được giữ ổn định và có xu hướng giảm.
Đầu tư phân tán và là điện sạch nên dễ huy động vốn cả trong và ngoài nước; quản lý đơn giản; rất phù hợp với điều kiện, tiềm năng của Việt Nam.
Khó khăn thứ hai theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là: nhu cầu đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới truyền tải rất lớn do đó rất khó khăn cho việc huy động vốn của các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. “Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ.” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định
Khó khăn thứ ba, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là việc đầu tư nguồn điện còn mất cân đối giữa các vùng miền, yêu cầu phải đầu tư thêm đường dây truyền tải lớn (500 KV) dẫn đến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ tư là việc giải tỏa công suất của nguồn điện tái tạo tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư đường truyền tải chậm tiến độ.
Thứ năm là nhiên liệu sử dụng cho phát triển điện ngày càng lớn, do đó phải nhập than và khí hoá lỏng LNG ngày càng nhiều.
Các giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KT-XH trong thời gian tới
Từ những phân tích trên, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, phải tập trung lập quy hoạch Điện 8 giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đổi mới công tác lập quy hoạch. Trong đó, quy hoạch chủ yếu chỉ tập trung vào việc:
Xác định quy mô công suất nguồn điện cho từng giai đoạn (dự kiến: quy mô nguồn điện năm 2020 là 65.000 MW; năm 2025 là 100.000 MW; 2030 là 130.000 MW).
Xác định cơ cấu nguồn điện theo hướng: Ổn định nguồn thủy; Giảm nguồn điện than; Tăng nguồn điện khí (cả khí tự nhiên và Khí hoá lỏng LNG); Năng lượng điện tái tạo (tổng cộng điện mặt trời và điện gió chiếm 26-30% tổng công suất nguồn điện); Xem xét sổ sung nguồn điện nhập khẩu
Xác định không gian phân bổ nguồn điện, chú ý bố trí đầu tư nguồn điện phù hợp với lợi thế, tiềm nămg của mỗi vùng, môi địa phương gắn với nhu cầu sử dụng điện; Quy hoạch hệ thống truyền tải đáp ứng giải tỏa công suất và truyền dẫn đảm bảo hiệu quả.
Hai là, trong thời gian chưa hoàn thành Quy hoạch Điện 8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn điện và điều chỉnh Quy hoạch nguồn điện, đường dây truyền tải để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí.
Ba là, trên cơ sở Quy hoạch, yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn, từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư.
Bốn là, tập trung tháo gỡ khó khăn, để sớm đưa các dự án trọng điểm, chậm tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động (Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1,...)
Hiện đã hoàn thành trên 80%, cần đầu tư thêm 2000 tỷ nữa để hoàn thành. PVN đã báo cáo TTg Chính phủ xin bổ sung vốn. TTg đã giao Bộ Công thương, UBQL vốn NN để xem xét, báo cáo TTg quyết định.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng (Nhơn Trạch 3,4; Nhà máy điện Quảng Trạch, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, Ninh Thuận,...); Năm là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuỗi điện khí Cá voi xanh, Lô B,... Đây là hai chuỗi điện khí lớn.
Sáu là, sớm xác định quy mô nguồn điện tại các cụm điện khí LNG (Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná, Bạc Liêu... trong tổng thể quy hoạch điện 8 (dự kiến) gắn với phát triển các kho cảng khí.
Riêng các cụm điện khí LNG Bạc Liêu: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nhà đầu tư đề nghị đầu tư với tổng công suất cụm điện khí LNG Bạc Liêu là 3200 MW, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch, và yêu cầu Bộ Công thương phải tính toán tổng thể đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030. Hiện nay có 8 đề xuất bổ sung các dự án điện khí.
Bộ Công thương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lần tổ chức họp về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công thương mới trình bổ sung 800 MW trong tổng thể 3200 MW, và nếu như vậy thì rất khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng và kho khí. Vấn đề này Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm.
“Vì thế thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị Bộ Công thương tiếp tục xem xét kỹ thêm để bổ sung quy hoạch tổng thể cụm này trong tổng thể các cụm điện khí của cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Để từ đó, có thể đầu tư dự án đồng bộ (có thể khí thì đầu tư từng giai đoạn, nhưng cảng, kho khí phải làm trước). Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để chúng ta bù đắp phần thiếu hụt, giảm việc phải truyền điện từ phía Bắc vào phía Nam.” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Bảy là, thực hiện nhập khẩu điện đảm báo nhu cầu điện gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; Hợp tác với Lào là một quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, Trong đó có hợp tác về mua bán điện. Hai nước tranh thủ những lợi thế của nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển và đây là nguồn điện sạch và rất cần cho phát triển cho Việt Nam cũng như cần cho bạn.
Tám là, tập trung thực hiện các dự án truyền tải điện, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đường dây 500 KVmạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - PleiKu) để đảm bảo giải tỏa công suất các trung tâm điện lực và đáp ứng truyền tải điện cho khu vực phía Nam, khu vực nông thôn, vùng núi, hải đảo; Tập trung đầu tư lưới điện giải tỏa chính sách cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Chín là, Tăng cường các biện pháp giảm tổn thất điện năng, sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả.
Mười là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách (đặc biệt là các cơ chế đặc thù) để tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư nguồn điện và huy động vốn cho phát triển ngành điện.